Vụ máy thẩm mỹ HonKon gặp sự cố: Sử dụng đúng kỹ thuật thì… bị điện giật?

(PLO) - Đại diện phía Công ty TNHH Phát triển Khoa học và Công nghệ HonKon cho rằng việc chiếc máy Elight M60e+  do bà Nguyễn Phương Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Liên Việt mua của công ty liên tục xảy ra sự cố là do người sử dụng “thao tác sai”.
Vụ máy thẩm mỹ HonKon gặp sự cố: Sử dụng đúng kỹ thuật thì… bị điện giật?

“Thao tác sai” nên gặp sự cố?

Liên quan đến việc khách hàng Nguyễn Phương Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Liên Việt (phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh chiếc máy thẩm mỹ của công ty HonKon chưa hết bảo hành đã liên tục gặp sự cố, PV đã có buổi làm việc với phía Công ty TNHH Phát triển Khoa học và Công nghệ HonKon (Công ty HonKon) để làm rõ thêm những thông tin xung quanh vụ việc này.

Tại buổi làm việc với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Đặng Quốc Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty HonKon cho biết, quy trình tiếp nhận thông tin phản ánh chất lượng sản phẩm của công ty sau khi khách hàng phản ánh đến, bộ phận kỹ thuật sẽ có trách nhiệm báo cáo lại với lãnh đạo và phía trưởng phòng sẽ điều nhân viên đi để xử lý những vấn đề liên quan.
"Biên bản giao nhận & sửa chữa" mà phía Công ty HonKon cung cấp trong đó có phần ghi "Nguyên nhân: Nhân viên dùng dầu để trị liệu, dẫn đến dầu làm chập điện tay cầm, cháy bảng mạch RF 750”.
"Biên bản giao nhận & sửa chữa" mà phía Công ty HonKon cung cấp trong đó có phần ghi "Nguyên nhân: Nhân viên dùng dầu để trị liệu, dẫn đến dầu làm chập điện tay cầm, cháy bảng mạch RF 750”.

Đối với thông tin khách hàng liên hệ nhiều lần nhưng không được với nhân viên của công ty HonKon để thông báo những sự cố của chiếc máy Elight M60e+, ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng thông tin này là “chưa chính xác”. “Khách hàng nói thế là chưa chính xác. Chưa chính xác ở chỗ nào? Thứ nhất là vừa rồi người ta (tức khách hàng – PV) chậm thanh toán với công ty nhưng công ty vẫn bảo hành bình thường. Hôm nhận được thông tin thì kỹ thuật bên tôi đã sửa chữa và mang cái linh kiện đó về công ty để sửa cho khách hàng” – ông Đặng Quốc Tuấn thông tin.

Cùng với đó, ông Tuấn cũng cho biết thêm ngay trong ngày hôm sau, khi kỹ thuật viên của công ty đến lắp đặt đã cử thêm một hướng dẫn viên của công ty lên hướng dẫn lại cho khách hàng. “Nghĩa là do khách hàng thao tác sai. Bên đó người ta làm việc, thao tác máy bị sai quy trình của công ty chúng tôi. Khi mà thao tác sai sẽ gây ảnh hưởng dẫn tới chập, cháy bảng mạch đó nhưng mà công ty vẫn bảo hành, bảo trì cho khách hàng. Không có chậm trễ một tí nào cả” – ông Đặng Quốc Tuấn khẳng định.
Ông Đặng Quốc Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty HonKon (bìa trái) trong buổi làm việc với phóng viên.
 Ông Đặng Quốc Tuấn  – Giám đốc điều hành Công ty HonKon (bìa trái) trong buổi làm việc với phóng viên.

Theo ông Tuấn, việc “thao tác sai” là: “Khi bàn giao thì chúng tôi hướng dẫn cho khách hàng điều trị bằng máy đó thì phải sử dụng bằng gel nhưng người ta lại sử dụng bằng tinh dầu mà tinh dầu là một chất lỏng nên khi đưa vào máy thì một thời gian sau chất lỏng đó sẽ chảy vào trong làm chập mạch điện nhưng công ty chúng tôi vẫn bảo hành, chỉ nhắc nhở khách hàng thôi. Nhưng mà sau đó khách hàng vẫn làm theo ý tưởng của người ta, không thực hiện đúng theo bài bản của công ty đưa ra”.

Đại diện phía công ty HonKon cũng cho biết thêm, tính đến nay phía đã 4 lần tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng về sự cố của chiếc máy và trong tất cả những lần đó đều cử nhân viên kỹ thuật xuống làm việc và có văn bản ghi nhận lại sự việc, phía khách hàng đã xác nhận là sử dụng tinh dầu chứ không phải sử dụng gel và phía công ty HonKon đã phải “hướng dẫn sử dụng lại”.

Sau đó, đại diện phía công ty HonKon đã cung cấp cho PV một số văn bản như biên bản bàn giao máy; lịch đào tạo; phản hồi và đánh giá sau đào tạo; biên bản giao nhận & sửa chữa mà theo theo đại diện công ty này cho biết đó là những văn bản có ký xác nhận từ phía khách hàng.

Trong “Biên bản giao nhận & sửa chữa” ký ngày 8/10/2015 mà phía công ty HonKon cung cấp cho PV có ghi nhận tình trạng máy, thiết  bị máy lúc ban đầu là: “Đánh điện bảng RF”; “Nguyên nhân: Nhân viên dùng dầu để trị liệu, dẫn đến dầu làm chập điện tay cầm, cháy bảng mạch RF 750”.

Sử dụng đúng kỹ thuật thì… bị giật?

Dù đại diện phía Công ty HonKon cho biết nguyên nhân dẫn đến những sự cố của chiếc máy Elight M60e+ là do khách hàng “thao tác sai” nhưng theo bà Nguyễn Phương Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Liên Việt (phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi sử dụng đúng theo những gì phía công ty HonKon hướng dẫn thì khi vận hành chiếc máy này, nhân viên của bà lại bị… điện giật!

Cụ thể, theo bà Nguyễn Phương Loan, khoảng 18h ngày 10/10/2015, khi đang vận hành chiếc máy Elight M60e+ làm liệu trình cho khách bằng loại gel mà phía công ty HonKon hướng dẫn, nhân viên Đinh Thị H. bị điện giật khiến một phần tay của nhân viên này bị phồng rộp.
Vết bỏng do điện giật trên tay nhân viên Đinh Thị H. khi khi đang vận hành chiếc máy Elight M60e+ làm liệu trình cho khách.
 Vết bỏng do điện giật trên tay nhân viên Đinh Thị H. khi khi đang vận hành chiếc máy Elight M60e+ làm liệu trình cho khách.

“Khi nhân viên của tôi đang sử dụng phần tay nâng của chiếc máy Elight M60e+ làm cho khách thì thấy khách kêu tê tê như bị giật, khi bỏ ra để kiểm tra thì nhân viên của tôi bị giật bắn cả người . Sau đó, chỗ bị giật phồng rộp lên còn khách hàng thì sợ không dám tiếp tục làm liệu trình nữa” – bà Nguyễn Phương Loan cho biết.

Đánh giá về việc nhân viên của thẩm mỹ viện đang vận hành máy và sử dụng loại gel theo như hướng dẫn bị giật, ông Đặng Quốc Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty HonKon cho rằng lỗi này do nhân viên đã kiểm tra “sai quy định”.
Phần tay nâng của chiếc máy Elight M60e+ thường xuyên xảy ra sự cố.
 Phần tay nâng của chiếc máy Elight M60e+ thường xuyên xảy ra sự cố.

“Tôi có nghe chị ấy (tức bà Nguyễn Phương Loan) nói lại là khi khách hàng kêu tê thì nhân viên đấy vặn ra rồi dùng tay đút vào đó thì tôi không hiểu tại sao lại kiểm tra như thế? Tự nhiên chị ấy bảo nhân viên của chị ấy chọc tay vào thế nên nó mới cháy đen đầu ngón tay. Chẳng có lý do gì tại sao lại thử kiểu như thế thì làm sao mà đúng được?” – ông Đặng Quốc Tuấn phân trần.

Về nguồn gốc của chiếc máy Elight M60e+, ông Đặng Quốc Tuấn cho biết chiếc máy này được nhập khẩu theo đường chính ngạch từ Bắc Kinh (Trung Quốc) và phía công ty đã kiểm tra đảm bảo chất lượng trước khi bàn giao máy cho khách hàng. Riêng đối với những hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, ông Đặng Quốc Tuấn cho biết không thể cung cấp cho phóng viên vì đây là đây là... “thông tin nội bộ” (!?).

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc này!
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng... 
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0986 321 888 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm