Nông dân Hải Phòng đang sản xuất vụ mùa trong nhiều khó khăn. Thời tiết bất thuận, nắng nóng kéo dài khiến việc gieo cấy bị chậm thời vụ; giá giống lúa, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng gấp 1,5 lần.
Chậm thời vụ do thời tiết thất thường
Bà Nguyễn Thị Gàng, nông dân xã Hùng Thắng (Tiên Lãng) cho biết: “Do nắng nóng kéo dài, không thể gieo cấy đúng lịch thời vụ của xã. Nhà tôi có 6 sào ruộng, đến ngày 12-7 mới gieo cấy được 4 sào. Còn lại 2 sào đang chờ nước và bớt nóng bức sẽ tiếp tục gieo cấy, dù lịch gieo mạ theo quy định phải kết thúc trước ngày 10-7. Nắng nóng suốt thời gian qua khiến nông dân chỉ có thể tranh thủ làm đất và gieo cấy vào sáng sớm hoặc chiều tối. Trước đó, trong cả tháng 6, tình trạng mất điện kéo dài khiến nông dân không thể bơm nước để làm đất và gieo mạ. Xã Hùng Thắng hiện cũng còn khá nhiều diện tích chưa gieo cấy ”.
Theo ông Dương Đức Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, trong lịch thời vụ hướng dẫn của Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn bộ trà lúa mùa sớm, bà con phải tập trung cấy xong trước 30-6, lúa gieo thẳng gieo xong trước ngày 25- 6, phần lớn diện tích trà lúa mùa trung cũng phải gieo mạ xong trước ngày 10-7. Tuy nhiên, hiện tiến độ gieo cấy rất chậm, dù quá thời hạn gieo mạ cuối cùng của lịch thời vụ 5 ngày. Diện tích lúa mùa đã cấy của toàn thành phố đạt 12.778 ha, mới bằng 30% diện tích gieo cấy cả vụ, bằng 66% cùng kỳ năm trước. Việc làm đất cũng rất chậm. Đến giữa tháng 7, việc cày lật đất mới cơ bản xong, còn 60- 70% diện tích chưa bừa lần cuối. Nguyên nhân do mất điện, các địa phương không chủ động được nguồn nước cho ruộng. Đầu tháng 7, khi tình hình điện bớt căng thẳng, nắng nóng lại quá gay gắt cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ sản xuất. Nắng nóng kéo dài nên hầu hết địa phương xuất hiện hiện tượng mống mạ mới gieo bị chết lụi, không có khả năng ngoi dậy, nhất là với những diện tích gieo sạ. Qua khảo sát cho thấy, có tới hơn 20% diện tích mạ mùa bị chết do tác động của thời tiết.
|
Bón phân cho ruộng lúa trước khi cấy. Ảnh: Duy Lân |
Thu nhập giảm, chi phí tăng gấp 1,5 lần
Anh Nguyễn Văn Hải, nông dân xã An Hồng (An Dương) cho biết: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi mua giống lúa đầu vụ với giá cao gấp 1,5 lần năm ngoái. Thêm vào đó, mới đầu vụ mà giá phân bón cũng rục rịch tăng. Ngoài ra, tiền thuê máy làm đất, máy bơm nước tăng chóng mặt. Công làm đất từ 60 nghìn đồng tăng lên 90 nghìn đồng, mà còn phải xếp hàng chờ. Những ngày nắng nóng phải chờ tới 2 tuần chưa đến lượt. Cũng có hộ làm đất xong vẫn chưa thể gieo cấy vì điện phập phù nên không có nước. Vì những khó khăn này, nhiều người không còn thiết tha đầu tư sản xuất, chẳng màng đến muộn thời vụ hay không. Chúng tôi đang buồn vì đợt thu hoạch lúa chiêm xuân vừa qua, chi phí thuê gặt, tuốt lúa tăng quá cao vì điện mất liên miên. Trong khi đó, giá thóc gạo không tăng đồng nào so với năm ngoái”.
Theo bà Phạm Thị Uyển, nông dân xã Hùng Thắng (Tiên Lãng), nhà bà có 6 sào ruộng nhưng không còn lao động vì các con đều bỏ nông nghiệp ra thành phố làm việc nên bà cho cấy thuê 4 sào, chỉ gieo cấy 2 sào. Gia đình bà mua giống lúa thuần cho rẻ, sau đó thuê người làm đất, ủ giống, họ thích gieo cấy lúc nào thì gieo, bà chẳng quan tâm. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều hộ dân Hùng Thắng. Chính vì chi phí tăng cao, sản xuất 6 tháng vẫn chỉ “lấy công làm lãi”, lại đối diện với quá nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài…nên hiện có nhiều hộ nông dân không thiết tha đầu tư sản xuất lúa. Thậm chí, ở nhiều địa phương, nông dân cho mượn ruộng, thuê ruộng và trả ruộng cho xã ở những diện tích đồng xấu, xa, khó canh tác…
Hoàng Yên