“Khi đưa ra mức kỷ luật, chúng tôi đã dựa trên những ưu - khuyết điểm của học sinh chứ không phải chỉ áp dụng kỷ luật một cách vô tình…”, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết.
Trước một số dư luận cho rằng mức kỷ luật đối với nạn nhân trong Clip nữ sinh đánh đập bạn trên phố là quá nặng. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Hiện nay một số ý kiến cho rằng mức hình phạt mà trường đưa ra với em Nguyễn Quỳnh Anh nạn nhân bị đánh trong “Clip nữ sinh đánh đập bạn trên phố” là quá nặng. Ông nghĩ sao?
Về mức kỷ luật các học sinh này, chúng tôi đã có công văn báo cáo với Sở GD-ĐT. Khi đưa ra mức kỷ luật, chúng tôi phải dựa trên những ưu, khuyết điểm của học sinh chứ không phải chúng tôi chụp vào các em một cách vô tình. Ngay trong buổi tuyên mức án kỷ luật có mẹ cháu Nguyễn Quỳnh Anh là người giám hộ và rất đồng tình mức kỷ luật này. Bản thân cháu Quỳnh Anh cũng nhận mức hình phạt này với thái độ ăn năn, hối lỗi nhận khuyết điểm của mình và hứa sẽ cố gắng học tập và rèn luyện tốt, không vi phạm quy định của nhà trường. Tôi nghĩ mức hình phạt này đã đủ sức răn đe các em. Hôm tuyên phạt, nhiều học sinh và phụ huynh đã khóc và tán đồng trước cách làm này của nhà trường.
|
Một cảnh trong Clip nữ sinh đánh đập bạn trên phố |
Nhà trường dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức phạt đối với các học sinh trong clip?
Chúng tôi dựa trên thông báo kết luận của công an để phân tích và cho các em viết bản kiểm điểm lần nữa. Sau đó, chúng tôi kết hợp với ý kiến đại diện của học sinh các lớp, cán bộ lớp, của giáo viên dạy và chủ nhiệm của lớp và mời đại diện Hội phụ huynh để lấy ý kiến về khuyết điểm và ưu điểm của các em trước đây. Từ đó, chúng tôi đối chiếu với điều lệ trường THPT, với quy chế, nội quy của trường rồi mới đưa ra mức kỷ luật phù hợp.
Mức phạt nặng nhất là đuổi học, hạ hạnh kiểm loại yếu đối với 2 học sinh Vũ Ngọc Diệp (người chủ mưu) và Chu Minh Huyền (người thực hiện quay clip). Tuy nhiên, chúng tôi để mức “án treo” cho thử thách một năm học. Trong một năm học này, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp tiến hành theo dõi, giáo dục, giúp đỡ các em để các em tiến bộ. Bên cạnh đó, hàng tuần các em này sẽ phải viết tường trình xem đã có những ưu và khuyết điểm gì trong tuần và phải có xác nhận của gia đình. Trong vòng 1 năm thử thách này nếu các em vi phạm thì nhà trường sẽ thực hiện mức phạt đã đưa ra là đuổi học.
Đối với học sinh Nguyễn Quỳnh Anh là người bị đánh nhưng em mắc khuyết điểm, có hành vi cư xử không đúng mực khi dẫm lên chân bạn không xin lỗi mà lên mặt thách thức, cãi nhau, đánh nhau với bạn nhưng không báo cáo cán bộ lớp, cô giáo chủ nhiệm với nhà trường lại tự bỏ học đi giải quyết. Em đã không thật thà khai báo khiến cơ quan chức năng mất nhiều thời gian điều tra tìm hiểu… Do vậy, em Nguyễn Quỳnh Anh phải nhận mức án khiển trách trước Hội đồng kỷ luật và hạ hạnh kiểm giữa học kỳ II.
Tuy nhiên, nhà trường cũng để mức án này “treo” để thử thách trong một năm để theo dõi. Trong một năm thử thách này, nếu các em phấn đấu tốt thì sẽ được xóa mức hình phạt này. Sau khi đưa ra hình thức kỉ luật này, chúng tôi đã xin ý kiến của các phụ huynh liên quan, đồng chí chi hội trưởng hội phụ huynh của nhà trường thì đều được mọi người tán thành. Tôi cũng đã phân tích cho gia đình em Quỳnh Anh hiểu vì sao em bị lỗi chứ không gia đình lại cho rằng người bị đánh cũng mắc khuyết điểm. Mẹ cháu Quỳnh Anh đã khóc và đồng tình với kết luận của nhà trường. Vậy nên, hình thức kỉ luật mà chúng tôi đưa ra là tương đối phù hợp, đúng người, đúng tội và có tác dụng răn đe, cảnh cáo những trường hợp khác.
Khi ông đưa ra mức hình phạt này thì tâm trạng của học sinh và phụ huynh lúc đó thế nào?
Tôi đã có nhiều năm trong nghề giáo và làm hiệu trưởng nhưng với những trường hợp này thì tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều để đưa ra mức kỷ luật. Vì, đưa ra mức kỷ luật nặng quá thì sẽ làm hỏng các cháu và phản ứng của phụ huynh, mức nhẹ quá thì thể hiện thái độ xuê xoa không làm cho các cháu thấy được khuyết điểm. Quan trọng nhất là để răn đe và giáo dục các em học sinh khác.
Học sinh và phụ huynh họ đã khóc rất nhiều, gia đình em Diệp còn có một đơn riêng xin nhà trường tiếp tục bảo ban cháu. Gia đình cũng biết là lỗi này các em sẽ bị đuổi học nhưng nếu trường đuổi học các em không có nơi để rèn luyện, phấn đấu. Như vậy, nhà trường giữ được học sinh lại và gia đình có trách nhiệm cao hơn với con mình. Còn mẹ Quỳnh Anh cũng khóc và xin cho cháu Diệp (người chủ mưu đánh con mình) được tha tiếp tục học tập và nói rằng: "Gia đình rất thương con nhưng thấy đến nay cháu cũng không bị đau, không có thương tật nào. Tôi mong muốn cháu Diệp và Quỳnh Anh trở thành người bạn thân thiết. Tôi và mẹ cháu Diệp cũng sẽ trở thành đôi bạn thân thiết để 2 cháu biết cùng nhau phấn đấu". Vậy nên tôi cho là mình xử lý đúng mức.
Qua sự việc này, lãnh đạo nhà trường có biện pháp gì để khắc phục tình trạng học sinh đánh nhau?
Chúng tôi sẽ có hình thức quản lý học sinh chặt chẽ hơn và cũng phối hợp với gia đình để quản học sinh tốt hơn trước. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng cần tổ chức các diễn đàn như bàn về đạo đức, lối sống của học sinh, nhất là nữ sinh; diễn đàn sử dụng trang web để biết đâu là cái tốt và đâu là cái xấu.
Cũng sau sự việc này, nhà trường còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm báo cáo quá trình công tác, quản lý học sinh của mình, chỗ nào còn sơ hở để có biện pháp làm tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh
Theo Dân Trí