Vụ “Nứt nhà dân do thi công cao ốc”: Cần hợp tác, giải quyết thiện chí hơn

Báo Đà Nẵng số ra ngày 28-8-2009 đăng bài phản ánh về việc xây dựng công trình Trung tâm Tài chính Dầu khí (TTTCDK) Đà Nẵng (lô A2.1+300, đường 30 tháng 4), làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân ở sát cạnh công trình thuộc tổ 24, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, đặc biệt là hiện tượng lún và nứt tường, trần nhà, dầm, trụ… Tuần qua, Báo tiếp tục nhận được đơn thư của những hộ dân ở sát lưng với công trình phản ánh: nhà tiếp tục nứt và lún, trong khi phương án sửa chữa, đền bù tổn thất chưa thỏa đáng...

Báo Đà Nẵng số ra ngày 28-8-2009 đăng bài phản ánh về việc xây dựng công trình Trung tâm Tài chính Dầu khí (TTTCDK) Đà Nẵng (lô A2.1+300, đường 30 tháng 4), làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân ở sát cạnh công trình thuộc tổ 24, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, đặc biệt là hiện tượng lún và nứt tường, trần nhà, dầm, trụ… Tuần qua, Báo tiếp tục nhận được đơn thư của những hộ dân ở sát lưng với công trình phản ánh: nhà tiếp tục nứt và lún, trong khi phương án sửa chữa, đền bù tổn thất chưa thỏa đáng...

Cao ốc Trung tâm Tài chính dầu khí đã xây lên được 9 tầng... (ảnh trên), người dân vẫn lo lắng vì nhà cửa tiếp tục nứt và lún. 

Phản ánh với chúng tôi, ông Lê Ngọc Chánh (ở lô C273) bức xúc: “Đếm không xuể vết nứt trên tường, dầm, trụ, trần… nhà tôi, đơn vị giám định ghi nhận: “rất nhiều vết nứt”. Còn khi qua giám định nhà ông Trịnh Văn Nam (lô C287), nghe ông Nam khẳng định, có hơn 100 vết nứt, đơn vị giám định liền chối lui: “Thôi ghi rất nhiều vết nứt là đủ rồi”. Nhưng bức xúc là phương án sửa chữa và gia cố, đơn giản chỉ là đục rộng miệng vết nứt, bơm hoặc trát vữa vào và sơn phủ lên là xong, quá thiếu thuyết phục trong khi nhà tôi đang tiếp tục nứt và lún”. Ngôi nhà của ông Huỳnh Ngọc Tới (lô C283) cũng bị lún, nứt nghiêm trọng, có một vết nứt dài và rộng như muốn chia căn nhà 2 tầng làm đôi.

Ông Lê Sáu (lô C281) dẫn chúng tôi ra sau nhà, chỉ tay vào vết nứt toác giữa móng nhà và sân nền, ông nói: “Thời điểm sau khi khoan đóng cọc nhồi, thi công móng và 2 tầng hầm của công trình, chưa hề có những vết nứt này, nay xây lên cao làm nhà tôi lún xuống mới nứt toác, hở ra”. Dẫn chúng tôi lên tầng 3, chỉ vào 2 viên gạch men bị vỡ giữa nền nhà, ông bức xúc: “Tự nhiên 2 viên gạch men lát nền nhà bị phồng lên, tác động vào nhau và vỡ ra, chứng tỏ một phần căn nhà này đang bị công trình bên kia làm cho lún không đều. Hiện mới đang xây tầng 9 đã làm nhà tôi lún như vậy, đến tầng thứ 15 thì nhà tôi sẽ ra sao?”.

Ngày 24-11-2009, người dân lại ký đơn tập thể kiến nghị lên Chủ tịch UBND thành phố và Giám đốc Sở Xây dựng can thiệp, yêu cầu đình chỉ thi công công trình theo luật định và giải quyết kịp thời những tổn thất. Tuy nhiên, theo đề nghị của Sở Xây dựng và căn cứ vào thái độ tích cực xúc tiến thỏa thuận bồi thường của chủ đầu tư là Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) tại Đà Nẵng, ngày 11-12-2009, UBND thành phố đã có Công văn số 4121 cho phép công trình TTTCDK được tiếp tục thi công để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình cũng như cảnh quan môi trường đô thị và môi trường đầu tư của thành phố; yêu cầu chủ đầu tư có văn bản bảo lãnh tài chính của cơ quan có chức năng trong việc bảo đảm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân kế cận bị ảnh hưởng.

Theo Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PVC-MT - đơn vị thi công công trình), trên cơ sở đề xuất phương án khắc phục tổn thất của đơn vị giám định độc lập là Công ty CP Giám định năng lượng Việt Nam – Khu vực miền Trung (EIC-MT) đã được các bên liên quan gồm: PVFC Đà Nẵng, PVC-MT và Apave (đơn vị tư vấn và quản lý dự án) thông qua tại cuộc họp ngày 11-11-2009, PVC-MT đã có kế hoạch bồi thường thiệt hại và thương thảo với các hộ dân. Đến nay, đã có 10/16 hộ đồng ý tự sửa chữa và nhận tiền bồi thường, còn lại 6/16 hộ là yêu cầu PVC-MT sửa chữa và cũng chưa đồng ý với giá trị bồi thường.

Theo ông Nguyễn Đình Phước – Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn PVC-MT, trên cơ sở đề xuất phương án sửa chữa của đơn vị giám định độc lập là EIC-MT, công ty đã lập hồ sơ biện pháp thi công sửa chữa và đang chờ ý kiến phản hồi của người dân để hoàn thiện biện pháp sửa chữa. Theo đó, đối với vết nứt tại các kết cấu trụ, dầm và sàn bê-tông cốt thép, sẽ dùng đà giáo và cây chống đỡ, giữ ổn định hoàn toàn cho cấu kiện; đục vết nứt, làm sờn, ẩm bề mặt bê-tông cũ bảo đảm sạch sẽ và no nước; dùng xy-lanh bơm Sikaflex Construction (một hợp chất trám khe đa năng dùng trong xây dựng cao ốc), kết dính tuyệt hảo; đóng lưới mắt cá phủ xung quanh vết nứt; trát lại vết đục bằng vữa Sika Latex – một loại phụ gia chống thấm và kết dính tốt; sơn hoàn thiện 3 nước.

Đối với các vết nứt trên tường, thi công sửa chữa cũng giống như trên, chỉ không cần dùng đà giáo và cây giữ ổn định hoàn toàn cho cấu kiện. Cũng theo ông Phước: “Các chuyên gia của EIC-MT cũng đã theo dõi sát sao các vết nứt tại các căn nhà lân cận công trình trong suốt thời gian qua và nhận định là vẫn nằm trong giới hạn an toàn, sau đó đề xuất phương án sửa chữa tối ưu, bảo đảm độ vững chắc và tuổi thọ cho căn nhà. PVC-MT cũng thường xuyên quan trắc độ lún của công trình cũng như các nhà dân lân cận và độ lún đang nằm ở giới hạn cho phép, an toàn, nếu thực sự công trình và các nhà dân lân cận có nguy cơ hoặc dấu hiệu nguy hiểm, chúng tôi đã phải cảnh báo và đề nghị người dân di dời đến nơi an toàn. Còn đối với phương án bồi thường, EIC-MT và chúng tôi đã tính thêm những hỗ trợ, nhằm có lợi nhất cho người dân rồi!”.

Việc người dân bức xúc, lo lắng là dễ hiểu, nhưng qua theo dõi vụ việc này ngay từ đầu, chúng tôi nhận thấy đơn vị chủ đầu tư, thi công, tư vấn quản lý dự án… cũng đã tích cực xúc tiến bồi thường cũng như giải thích những thắc mắc. Một lần nữa chúng tôi đề nghị, thời gian tới, đơn vị thi công cùng các bên liên quan và người dân cần hợp tác thiện chí hơn nữa để giải quyết tốt, ổn thỏa vụ việc, bởi sự cố này không ai mong muốn và cần sự cảm thông của nhau.

PHÒNG BẠN ĐỌC

Đọc thêm