Vụ Samsung xin miễn thuế: Đừng quá nuông chiều doanh nghiệp FDI

(PLO) - Mới đây, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề xuất các cơ chế ưu đãi, xin miễn thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với các lô hàng máy điện thoại Samsung Galaxy Note 7 bị lỗi theo hình thức tạm nhập-tái xuất. 
Vụ Samsung xin miễn thuế: Đừng quá nuông chiều doanh nghiệp FDI

Hiện Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng đang xem xét đề xuất này. Và nếu phía Việt Nam chấp nhận đề nghị, câu hỏi được đặt ra là: Có cần thiết nuông chiều các doanh nghiệp FDI như vậy hay không?

Hình thức tạm nhập - tái xuất có là phù hợp cho trường hợp này?

Theo định nghĩa, tạm nhập tái xuất là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam. Việc này được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. 

Như vậy trong trường hợp này của Samsung, đây là hình thức một công ty đầu tư nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam, thực hiện bán hàng hóa ra thị trường bao gồm thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường khác, do sản phẩm bị lỗi nên phải thu hồi để khắc phục và tiếp tục bán ra, chứ không giống như trong khu chế xuất nhập về rồi lại xuất ra nên không thể lấy đó để áp cho trường hợp tạm nhập-tái xuất.

Ở đây là lỗi do khâu sản xuất nên là một doanh nghiệp kinh doanh, họ phải chịu trách nhiệm trước những rủi ro chủ quan gặp phải, chứ không thể kiến nghị hoàn thuế. Cũng giống như rất nhiều trường hợp của các doanh nghiệp khác đã từng xảy ra, đơn cử như các hãng xe ô tô, xe máy phải thu hồi hàng triệu xe lỗi. Hãng ô tô Toyota bán tại thị trường Mỹ vừa qua cũng phải thu hồi vì có lỗi về túi khí. Hãng xe máy Yamaha hồi tháng 3 vừa qua cũng vừa có đợt triệu hồi trên 90 ngàn xe máy tại Việt Nam… Và như vậy mọi phí tổn, tổn thất, các doanh nghiệp phải là đơn vị chịu trách nhiệm dù có phải tốn kém đến đâu.

Vì vậy, nếu dành ưu đãi cho SEVT ở sự việc lần này sẽ dễ tạo ra tiền lệ xấu, các doanh nghiệp FDI khác sẽ nhìn vào đó để tiếp tục kiến nghị nếu xảy ra rủi ro dẫn đến phải thu hồi sản phẩm. 

Doanh nghiệp FDI vẫn là “con cưng” tại thị trường trong nước

Samsung cũng giống như nhiều doanh nghiệp FDI khác đang nhận được khá nhiều ưu đãi khi kinh doanh tại Việt Nam. Samsung hiện nhận được mức ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thậm chí, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty của Samsung sau khi hết điều kiện miễn giảm của Chính phủ, đó là chưa kể các điều kiện hạ tầng khác. Tại Thái Nguyên và TP.HCM, doanh nghiệp này cũng được nhận những ưu đãi tương tự.

Kim ngạch xuất khẩu của Samsung đạt 30 tỉ USD xuất khẩu điện thoại (chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), nhưng thực tế 70%-80% hàng hóa để sản xuất là nhập khẩu từ nước ngoài. Nghĩa là, doanh nghiệp ở nước ngoài được hưởng lợi chứ không phải Việt Nam, và theo đó, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 36% và lợi nhuận Việt Nam thu được từ Samsung không hề lớn. 

Vì vậy, chính phủ Việt nam, Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan, thiết nghĩ trong quá trình cân nhắc nên tính tới đầy đủ các yếu tố, và để Samsung cũng như các doanh nghiệp FDI chấp hành luật của nước sở tại trong kinh doanh hàng hóa.

Xin trích lại quan điểm của TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khi bàn về vấn đề này để thay cho lời kết "Tại sao trong một cơ chế thị trường sòng phẳng, một sự cố không phải do lỗi của phía quản lý, không phải do thiên tai, thời tiết mà chúng ta phải chấp nhận thay đổi. Nên vì một môi trường cạnh tranh bình đẳng, đừng quá nuông chiều doanh nghiệp FDI''.

Đọc thêm