Như PLVN đã đề cập, Cty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Việt Hàn (Cty Việt Hàn – 05 đường Bình Thới, quận 11, TP.HCM) vừa kiện hộ kinh doanh Việt Hàn (Spa Việt Hàn – 52C Nguyễn Bỉnh Khiêm, phuờng Đa Kao, quận 1) ra tòa vì cơ sở spa này hoạt động cùng nhóm ngành mà lại lấy thương hiệu trùng tên “Việt Hàn”.
Trước đó, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kết luận: “Dấu hiệu “Việt Hàn” trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh của cơ sở bà Lê Thị Tú Uyên (Spa Việt Hàn/PV) là tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Việt Hàn & hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Cty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Việt Hàn theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 95871 cấp ngày 14/02/2008. Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ”.
Tại sao một nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền theo Luật Sở hữu trí tuệ mà cơ quan chức năng tại quận 1 vẫn cấp phép cho một đơn vị khác?
Chỉ cấp ở phạm vi trong quận
Trao đổi với PLVN, ông Ngô Lâm Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1 cho biết: Ngày 17/4/2013, bà Lê Thị Tú Uyên (thường trú tại ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM) đăng ký kinh doanh tại địa chỉ số 52C Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, biển hiệu đề là: Hộ kinh doanh “Việt Hàn”; ngành nghề: dịch vụ săn sóc da mặt (không bao gồm các hoạt động gây chảy máu), cắt tóc, gội đầu, trang điểm.
Ông Hoàng Anh khẳng định: “Căn cứ Khoản 3 Điều 56 Nghị định 43/2010/NĐ - CP ngày 15/4/2010 về đặt tên hộ kinh doanh, quy định tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện (quận). Qua rà soát phần mềm cấp phép đăng ký kinh doanh, Phòng Kinh tế quận 1 nhận thấy biển hiệu chưa có hộ kinh doanh đăng ký trên địa bàn quận 1 và ngành nghề kinh doanh không bị cấm, do đó việc đăng ký kinh doanh của bà Uyên là hợp lệ. UBND quận 1 cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 41A8031486 ngày 23/4/2013 cho bà Lê Thị Tú Uyên là đúng quy định”.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhãn hiệu “Việt Hàn” đã được quảng bá rộng rãi trên thị trường cả nước, không riêng gì TP.HCM, tức là không bị giới hạn bởi phạm vi hành chính một quận, huyện. Việc trùng tên riêng với một nhãn hiệu đang được bảo hộ sẽ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Về điểm này, Chánh Văn phòng UBND quận 1 giải thích: “Trong quá trình quản lý, UBND quận 1 không nhận được thông tin danh sách các tổ chức, cá nhân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu”(!).
Trùng tên, trùng nhóm ngành là vi phạm
Luật sư Nguyễn Trung Tài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Cty Việt Hàn có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì Cty này là chủ sở hữu nhãn hiệu “Việt Hàn & hình”. Trong thời gian còn hiệu lực của Giấy chứng nhận thì Cty được độc quyền sử dụng nhãn hiệu nêu trên, có quyền ngăn cấm bất kỳ ai sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
“Dịch vụ spa và dịch vụ khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ đều thuộc nhóm 44 trong phạm vi bảo hộ (đều có mục đích làm đẹp), do vậy dấu hiệu “Việt Hàn” được trình bày khổ lớn, chữ in to, nổi bật trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh tại cơ sở thẩm mỹ của bà Lê Thị Tú Uyên là tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Việt Hàn & hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Cty TNHH Thẩm mỹ Quốc tế Việt Hàn” – Luật sư Tài phân tích. Vị này khẳng định: “Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Hành vi này phải bị xử phạt theo quy định tại Khoản 15 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”./.