Vụ tham ô 7,2 triệu ở Thái Bình: Không còn cơ hội làm rõ một số điểm mờ?

(PLVN) - Kháng cáo kêu oan, sau đó thay đổi sang đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhưng bị cáo Đào Mạnh Thắng không được tòa án chấp nhận. Bị tuyên y án 2 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, người đàn ông dáng vẻ lam lũ, gương mặt mệt mỏi nghẹn giọng nói: “Tôi bị oan mà”.
TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa đưa bị cáo Đào Mạnh Thắng (nguyên cán bộ, giám đốc trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Tiền Hải, Thái Bình) ra xét xử phúc thẩm về tội “Tham ô tài sản” theo kháng cáo kêu oan của bị cáo. 
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2014, Công ty Dũng Mai và Ban quản lý khu du lịch sinh thái Cồn Vành (khi đó ông Nguyễn Công Lý là Trưởng ban quản lý) đã tiến hành lập biên bản nghiệm thu, bàn giao trụ sở BQL, đưa vào sử dụng dù hạng mục quầy lễ tân tầng 1 chưa được thực hiện nhưng vẫn đưa vào quyết toán.
Ngày 5/6/2015, ông Đào Mạnh Thắng được UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) ra quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban quản lý thay ông Nguyễn Công Lý kể từ 8/6/2015. Quá trình bàn giao, ngoài chức năng, nhiệm vụ, tài sản, công nợ phải trả, ông Lý có trao đổi với Thắng về việc còn thiếu quầy lễ tân, Công ty Giang Ngọc sẽ chịu trách nhiệm xây dựng bằng gạch, bê tông. 
Theo cơ quan truy tố, ngày 6/2/2016, ông Thắng đến Công ty Giang Ngọc nhận số tiền 7,2 triệu đồng về để xây tủ quầy lễ tân tầng 1. Sau khi nhận được tiền, ông Thắng không tổ chức xây tủ quầy lễ tân và không nhập vào quỹ của BQL Cồn Vành mà chiếm đoạt số tiền này. Đến tháng 3/2017, khi bàn giao tài sản, công việc để chuyển đến đơn vị mới, ông Thắng đã viết giấy biên nhận để hợp pháp hóa số tiền này. 
Với hành vi trên, ông Thắng bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Sau phiên tòa, ông Thắng đã làm đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng mình bị truy tố oan, bản thân không cố ý phạm tội, không có ý thức chiếm đoạt bất kỳ đồng tiền nào là tài sản của nhà nước.
Bị đưa ra xét xử phúc thẩm, ông Thắng khẳng định số tiền 7,2 triệu đồng mà cơ quan công tố đang viện vào để buộc tội ông không phải tiền thuộc ngân sách nhà nước dùng để đầu tư xây quầy lễ tân mà là tiền của cá nhân ông Nguyễn Văn Ngọc (chủ doanh nghiệp) nhờ cầm để thuê thợ xây quầy lễ tân. 
Cũng theo trình bày của bị cáo Thắng tại tòa, ông Lý với Công ty Giang Ngọc đã lập chứng từ nghiệm thu khống để quyết toán với công ty Dũng Mai – đối tác thực hiện xây dựng Trụ sở BQL. Bởi khi đó, người được phân công giám sát và nghiệm thu không ký vào biên bản nghiệm thu giám sát nhưng mọi hợp đồng vẫn được nghiệm thu và quyết toán. Ông Thắng cho rằng người phải chịu trách nhiệm chính với những sai phạm trên là ông Nguyễn Công Lý. 
Ảnh minh họa.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng mặc dù bị cáo Thắng được công ty Giang Ngọc nhờ xây quầy lễ tân nhưng dưới góc độ pháp lý, đó không phải trách nhiệm của bị cáo. Bởi không có chuyện đại diện chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xây dựng thay cho nhà thầu, do vậy chỉ có thể giải thích sự việc là sự nhờ vả mang tính chất dân sự giữa cá nhân ông Ngọc và ông Thắng.

Tiếp lời, luật sư cho rằng hồ sơ dự án đã quyết toán, hạng mục quầy lễ tân đã được nghiệm thu và thanh toán, do vậy đồng nghĩa tiền ngân sách nhà nước cho hạng mục quầy lễ tân đã được thanh toán cho nhà thầu đầy đủ. Việc ông Thắng nhận số tiền 7,2 triệu đồng nêu trên không phải tiền ngân sách để xây dựng công trình Cồn Vành.
“Bị cáo Thắng nhận tiền của Công ty Giang Ngọc số tiền 7,2 triệu đồng, đây không phải tiền ngân sách nhà nước (ông Ngọc cũng rút tiền từ trong ví ra đưa cho ông Thắng theo bút lục 153). Khoản tiền này là cá nhân ông Ngọc chuyển cho bị cáo Thắng nhờ thực hiện một công việc (tìm thợ xây quầy lễ tân). Đây không phải là tiền chuyển cho BQL dự án”, luật sư nói đồng thời cho rằng nếu chuyển cho Ban quản lý thì phải có chứng từ, có lý do chuyển tiền.
“Ngay cả khi ông Thắng muốn nhập quỹ (như lập luận của cơ quan tố tụng) thì cũng không thể bởi dự án đã quyết toán, hạng mục quầy lễ tân cũng đã thanh quyết toán, vậy số tiền 7,2 triệu sẽ được nhập quỹ như thế nào?”, luật sư nói tiếp.
Sau đó, vị này đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Bị cáo Thắng cũng chuyển từ kháng cáo kêu oan sang đề nghị trả hồ sơ. Tuy nhiên, đề nghị trên đã không được chấp thuận. Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng là việc nghiệm thu khống của Trưởng BQL Cồn Vành cũ với đơn vị trúng thầu dự án bị phớt lờ, không còn cơ hội được làm rõ? Việc này khiến việc buộc tội tham ô của bị cáo Thắng trở nên thiếu thuyết phục, thậm chí phi lý./.

Đọc thêm