Ngoài ra, hai bị cáo này và Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ Quân) còn bị truy tố về tội “Rửa tiền”. Bị cáo Trần Hậu Nghĩa, Giám đốc Cty Thiết bị y tế Hải Đăng, cùng 5 cựu lãnh đạo, cán bộ của BV Thủ Đức bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 1/12. Ngoài HĐXX gồm 5 thành viên, còn có 4 kiểm sát viên được phân công giữ quyền công tố tại tòa cùng 2 người dự khuyết.
HĐXX đã triệu tập 38 đơn vị, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có UBND, Sở Y tế TP HCM. Có 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, từ 2016 - 2020, BV Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ khám, chữa bệnh. Trong đó có 28 gói đã phê duyệt kết quả trúng thầu hoàn thiện việc thanh toán với tổng giá trị hơn 346 tỷ đồng.
Vì mục đích tư lợi, Quân chỉ đạo Lợi thành lập 4 Cty “sân sau” thuê và nhờ người thân đứng tên để tham gia thâu tóm các gói thầu. Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các Cty để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn 30 - 50% giá thị trường.
Tiếp đó, Quân chỉ đạo Lợi sử dụng 3 trong 4 Cty để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Lợi chỉ đạo Nghĩa làm 1 hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để 1 Cty trúng thầu.
Tại BV, Quân với vai trò là Giám đốc, hàng năm đều ký các quyết định thành lập các tổ để thực hiện việc mua sắm, dự toán, đấu thầu, ký hợp đồng... rồi giao cho cấp dưới làm thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, thực tế các tổ đấu thầu không hoạt động theo quyết định được phân công, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ. Các nhân viên BV biết rõ nhóm Cty dự thầu đều là “sân sau” của Quân nhưng vẫn làm theo chỉ đạo.
Cáo trạng xác định, 4 Cty do Lợi quản lý đã trúng thầu 27/28 gói với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng. Lợi đã chỉ đạo nhân viên chuyển cho vợ chồng Quân - Diễm hơn 103 tỷ đồng là số tiền nâng khống giá thiết bị y tế từ 27 gói thầu.
Số tiền chiếm đoạt được Quân chỉ đạo Lợi rút hoặc chuyển vào tài khoản của mình và vợ hoặc tài khoản của các Cty để vợ chồng Quân mua nhà đất. Trong đó, vợ chồng Quân sử dụng tiền chiếm đoạt được mua căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng thuộc một dự án ở Nha Trang, biệt thự thuộc Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, bất động sản ở Thủ Đức, 2 ô tô hạng sang...
Quân khai, đã sử dụng 11,8 tỷ đồng để mua khu đất tại phường Linh Xuân (Thủ Đức). Khi những sai phạm trong việc đấu thầu tại BV bị phát hiện, điều tra, vợ chồng Quân đã bán một khu đất với giá 19 tỷ đồng để lấy tiền “chạy án”, song bất thành.
Liên quan đến các hành vi sai phạm và trách nhiệm cá nhân, cáo trạng đánh giá, quá trình điều tra, Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy cho cấp dưới, nên cần xử lý nghiêm để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung.
Đối với Diễm, khi BV chuyển tiền cho các Cty trúng thầu, Diễm đã yêu cầu Lợi chuyển tiền cho mình. Diễm đã nhận tổng cộng gần 68 tỷ đồng từ Lợi để mua các bất động sản...
Ngoài vụ án này, Quân còn bị cáo buộc vi phạm đấu thầu liên quan mua kit xét nghiệm COVID-19 của Cty Việt Á, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Năm 2021, 2022, khi đang đương nhiệm Giám đốc BV Thủ Đức, Quân bị Bộ Công an điều tra các sai phạm nên đã 8 lần chi tổng cộng hơn 3,7 triệu USD cho Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an) để “chạy án”.
Kiên đồng ý giúp Quân và Lợi để không vướng lao lý với giá 2,2 triệu USD. Kiên sau đó 5 lần nhận đủ số tiền trên từ Quân. Đến tháng 5/2021, thấy C03 vẫn kiểm tra quyết liệt, Kiên bị Quân đòi lại tiền nên đã trả 1,15 triệu USD, còn chiếm đoạt 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng).
Quân sau đó tiếp tục tìm “cửa” khác, được Luật sư Bùi Thị Hồng Giang liên hệ Lê Thanh An (cán bộ Phòng 5, C03) để “chạy án” với giá 1,5 triệu USD.
Trong vụ án này, 6 người bao gồm 2 cựu cán bộ của C03 Bộ đã bị xét xử, riêng Quân được xác định là “chủ động khai báo trước khi bị phát giác” nên được miễn trách nhiệm hình sự.