Vụ trẻ 4 tháng tuổi bị vứt trong thùng rác: Làng trẻ SOS hành động hợp lý, nhưng có... hợp tình?

(PLO) - Sáng ngày 5/12/2018 vừa qua, người dân nhặt được một cháu bé 4 tháng tuổi trong thùng rác tại khu vực đường Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội. Theo báo chí đưa tin thì trước thời điểm xảy ra sự việc, có một người phụ nữ ôm đứa bé vào Làng trẻ SOS nói là muốn gửi cháu bé tại đây nhưng bảo vệ của Làng trẻ khi ấy đã từ chối. Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS –  Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - việc Làng trẻ SOS từ chối nhận cháu bé này là hợp lý. Tuy nhiên, giá có cách xử lý hợp tình hơn thì cháu bé sẽ không bị bỏ vào thùng rác một cách thương tâm như vậy.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS –  Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám Đốc Công ty Luật TGS – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc Giám đốc Làng trẻ SOS- ông Nguyễn Văn Sinh trả lời,  lý do từ chối tiếp nhận cháu bé là vì Làng chỉ tiếp nhận trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ em thuộc đối tượng theo hướng dẫn của nghị định 136.

Cụ thể đối tượng được quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP như sau:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b) Mồ côi cả cha và mẹ;

c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Cả cha và mẹ mất tích theo quđịnh của pháp luật;

g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

k) Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thi gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.”.

Như vậy, trong trường hợp trên, không có cơ sở để chứng minh cháu bé thuộc đối tượng được tiếp nhận, nên việc từ chối tiếp nhận cháu bé tại thời điểm ban đầu của Làng trẻ SOS là không sai.

 - Thưa ông, hành vi được cho là "đúng quy trình", hợp lý, nhưng có... hợp tình?

- Rõ ràng có thể thấy những bất cập trong cả quá trình chúng ta nhắc đến ở đây. Trước hết là người tiếp nhận thông tin. Ngay tại thời điểm ban đầu, khi người phụ nữ ôm con đến mong muốn được để cháu bé lại đây, thì người tiếp nhận thông tin lại chỉ là bảo vệ. Thay vì đưa cả hai đến gặp mặt người có thẩm quyền xem xét, hoặc ít nhất là lấy thông tin cơ bản từ người phụ nữ và cháu bé thì bảo vệ của Làng trẻ SOS đã từ chối ngay lập tức với lý do không thuộc đối tượng của trung tâm.

Đọc thông tin về việc này, tôi và nhiều người cho rằng người phụ nữ này là mẹ của cháu bé. Thông thường khi cá nhân là cha, mẹ có ý định bỏ con lại thì tâm lý họ thường không ổn định, mong muốn bỏ con lại và rời đi thật nhanh để không ai nhận ra họ. Như vậy, việc làm dịu tâm lý cảnh giác của những người làm cha, làm mẹ này là bước rất quan trọng. Nếu ngay từ đầu phía Làng trẻ SOS có thể giải thích rõ ràng thông tin để người mẹ trẻ hiểu được hay có hướng xử lý khéo léo hơn thì có lẽ sự việc đau lòng trên đã không xảy ra./.

Đọc thêm