Vụ VNPT tùy tiện cắt dịch vụ: Khách hàng cần được bồi thường thiệt hại

(PLO) - Việc thanh thải đường dây internet mà không báo trước dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân và các doanh nghiệp nằm trên tuyến phố Xã Đàn, Kim Hoa, Đê La Thành rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”... việc này các khách hàng có thể yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh từ lỗi của nhà cung cấp
Vụ VNPT tùy tiện cắt dịch vụ: Khách hàng cần được bồi thường thiệt hại

Những ngày gần đây (từ ngày 05/04 đến ngày 11/04), trên tuyến phố Đê La Thành nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đều không thể truy cập được mạng internet với lý do: “Hiện nay các công ty Điện lực và công ty chiếu sáng đô thị Hà Nội đang tiến hành cắt, thanh thải dây trên tuyến phố Đê La Thành từ ngày 05-07/04/2016 và trên tuyến phố Kim Hoa từ ngày 11/4/2016 để chỉnh trang đô thị gây mất liên lạc, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động liên lạc, trao đổi thông tin…”(theo thông báo của VNPT).

Qua đó, các khách hàng của VNPT trên tuyến phố này đã không hề được thông báo trước về sự cố không truy cập internet để có sự chuẩn bị và chỉ nhận được thông báo sau khi sự cố diễn ra một ngày. Giao dịch bị đình trệ, thiệt hại hàng tỷ đồng, đối mặt với việc bị đối tác khiếu nại, thậm chí chấm dứt hợp đồng do các giao dịch không thể tiến hành là nguy cơ của doanh nghiệp nhưng dường như với VNPT thì chỉ cần gửi một thông báo là “xong”, là “phủi tay” hết mọi trách nhiệm.

Vấn đề này đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp nói riêng và cả hệ thống kinh tế nói chung. Khi việc truy cập internet gặp sự cố thì các hoạt động kinh doanh, giao dịch cũng lập tức bị đình trệ và thật khó tưởng tượng ra những thiệt hại của sự đình trệ này đối với doanh nghiệp và xã hội.

Để rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo PLVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú – Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Trương Anh Tú cho biết, khách hàng cần được bồi thường thiệt hại.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, khách hàng cần được bồi thường thiệt hại.

Theo luật sư Tú được biết: “Người sử dụng mạng internet và VNPT là hai chủ thể bình đẳng trong một hợp đồng dịch vụ. Người dùng được quyền truy cập internet và phải trả phí, còn VNPT thu phí và phải có trách nhiệm đảm bảo dịch vụ thông suốt.”

Quy định tại Điều 524 Bộ luật dân sự được biết, trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

“Như vậy, ở trường hợp này, chất lượng dịch vụ do VNPT cung cấp không đảm bảo, khách hàng có quyền yêu cầu không thanh toán tiền dịch vụ, nếu có thiệt hại xảy ra xuất phát từ việc không ổn định trong việc cung cấp mạng internet, khách hàng có thể yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh từ lỗi của nhà cung cấp.” Luật sư Tú cho biết thêm.

Luật sư Trương Anh Tú khẳng định: “Quy định pháp luật thì rất cụ thể nhưng ở Việt Nam, VNPT nói riêng và các nhà cung cấp internet khác, rộng hơn là các doanh nghiệp như điện lực, viễn thông, nước sạch… dường như đang ở “cửa trên”. Họ sẵn sàng áp dụng “luật chơi” do họ định ra mà không quan tâm đến thiệt hại của người dùng và không bao giờ cân nhắc việc bồi thường thiệt hại cho người dùng khi có sự cố xảy ra. Điều này có phù hợp với những quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường hay không?”

Trong Điều 8, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 có nêu: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”

Đọc thêm