Vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên: chủ nợ u sầu, con nợ "lặn mất tăm"

Trong diễn biến tiếp theo của nghi án vỡ nợ 500 tỷ đồng ở thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mà người phụ nữ tên C. (ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) là nhân vật chính, phóng viên PLVN đã tìm đến nơi cư trú của một số người được cho là đã trắng tay vì trao tiền nhầm... địa chỉ...
[links()]
Trong diễn biến tiếp theo của nghi án vỡ nợ 500 tỷ đồng ở thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mà người phụ nữ tên C. (ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) là nhân vật chính, phóng viên PLVN đã tìm đến nơi cư trú của một số người được cho là đã trắng tay vì trao tiền nhầm... địa chỉ.

Tin bạn... mất trắng cơ nghiệp!

Dân tình tại thị trấn Phú Minh vẫn đang bàn tán xôn xao, người ta túm năm tụm ba bàn tán về vụ vỡ nợ “xưa nay hiếm” ở xứ này. Người thì than ngắn thở dài, chép miệng trách cứ những người nhẹ dạ cả tin, hám lợi trước mắt để nên nỗi giờ bị “vỡ trận” mới kêu than khổ.

Trong các con nợ đang điêu đứng vì số nợ phải gánh, chị V. - một tiểu thương buôn bán gà vịt ở chợ Phú Minh - được nhiều người nhắc đến với sự cảm thông sâu sắc cho hoàn cảnh trắc trở mà vợ chồng chị phải gánh chịu.

Chúng tôi đã tìm đến nhà chị V. theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân. Trong ngôi nhà trống hoác, chị V. với khuôn mặt u sầu ngồi phệt dưới nền nhà. Rơm rớm nước mắt, chị V. rầu rầu kể lại sự tình: “Khoảng hơn 2 tháng trước, đứa bạn thân của tôi đến chơi. Thấy tôi cứ đầu tắt mặt tối chạy chợ nhưng lời lãi không được bao, lại một nách nuôi ba đứa con ăn học nên nó khuyên tôi đứng gom tiền “đổ” cho nó. Tôi đã gặng hỏi chuyện gom tiền sẽ “đổ” cho ai nhưng nó tuyệt đối kín như bưng. Tin bạn, tôi không đòi hỏi thế chấp gì mà cứ thế nhận lời làm. Chỉ biết, tiền ấy sẽ cho người khác vay, còn tôi sẽ được trích lại phần trăm lãi để phụ đỡ nuôi con ăn học, ai dè chưa nhận xu lời nào mà đã bỏ tiền túi ra để trả lãi cho người ta”.

Chị V. cho biết thêm: “Khi tin hay nhà chị C. vỡ nợ, tôi như ngã ngửa. Bởi nếu biết gom cho nhà C. thì một cắc cũng đừng hòng”.

Bởi lẽ, theo chị V. cho biết: “Buôn bán ở chợ thị trấn đã lâu nên không lạ cung cách mua bán của từng vị khách, trong đó có cả chị C.. Chị này đi chợ rất hào phóng, tiền thừa ít khi lấy lại, thậm chí còn cho tôi thêm dăm, bảy nghìn cho được giá. Nhưng những lần như vậy, trong thâm tâm tôi đều nghĩ trong thời buổi gạo nước đều khó, chỉ có tiêu tiền chùa mới hoang phí như vậy”.

Nói rồi chị V. cứ tẩn ngẩn xót xa: “Từ bé đến giờ tôi chỉ biết vùi đầu sớm hôm kiếm tiền xây dựng cơ ngơi, nay thì gần như mất trắng, còn đứng trước nguy cơ không có nhà để ở. Người ngoài nhìn vào hoàn cảnh của gia đình tôi ai cũng xót thương hai vợ chồng thật thà, chịu thương chịu khó. Có người thương quá đến mức họ buột miệng chửi đổng tôi ngu dại”.

Nhưng thương thân mình đã đành, chị V. kể ra hàng chục trường hợp thân quen từng gom tiền cho chị, trong số đó có không ít người lao động nghèo khổ, như trường hợp của một bác vốn bị dị tật bẩm sinh làm nghề gánh gạch, tích cóp cả đời được vài chục triệu cũng tin tưởng gửi gắm chị.

Chị V. kể tiếp: “Nhiều người bảo tôi đến nhà bạn bắt nợ xe cộ, đất cát để vớt vát phần nào nhưng lương tâm đâu làm thế. Phút cuối tôi vẫn tin bạn, giờ vẫn tin bạn nhưng có ai biết tôi đã phải cầm cố cả ngôi nhà của mẹ mình để trả vơi đi số nợ. Còn bạn thì vẫn bặt vô âm tín chưa giúp nổi một đồng. Cực lắm gọi điện thì chỉ được vài lời trấn an. Rồi thì đến giờ trong nhà không còn nổi một nghìn đồng chẵn, cơm gạo cũng là nhờ họ hàng giúp đỡ. Nhưng tôi nghĩ mình không thể gục gã vì còn ba đứa con sẽ không biết nương tựa vào ai. Chỉ cực một nỗi, tôi cũng là nạn nhân nhưng sợ rằng mang tiếng thế này sẽ chợ búa sao đây”.

“Tôi chỉ ân hận một điều, đó là cách đây chưa lâu, thấy việc làm này cũng mạo hiểm nên có tâm sự với một người họ hàng sẽ đoạn tuyệt trong tháng này nhưng không ngờ nhanh quá. Chỉ hai tiếng đồng hồ nghe tin chủ nợ “chuồn”  thế là vỡ tung cả thị trấn luôn” - chị V. thở dài nói.

Các con nợ đồng loạt “lặn mất tăm”!

Để tiếp tục tìm hiểu thông tin, chúng tôi tìm đến nhà một số đầu mối được cho là đã thu gom cả chục tỷ đồng rồi... “vỡ trận”. Trong số đó, phải kể đến nhà vợ chồng L. - S. - chủ một lò gạch - mà theo người dân cho biết, cặp đôi này cũng huy động các nơi gần một trăm tỷ đồng rồi “chuyển tiếp” cho vợ chồng C. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của con nợ này thì cửa khóa trái đóng im ỉm.

Tiếp tục tìm đến nhà chủ nợ V. - H. ở tiểu khu Cơ khí, thị trấn Phú Minh - trường hợp bị đồn vỡ nợ hơn một trăm tỷ đồng. Cũng không khác, một người phụ nữ trẻ xưng là họ hàng mở cửa, phóng viên chưa kịp hỏi han gì thì chị này chua ngoa một câu: “Không có ở nhà, đi vắng rồi!”, trước khi đóng sầm cánh cửa trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được những người dân ở đây cho biết, vợ chồng V. - H. làm công nhân ở một nhà máy bia tại địa phương. Nhưng từ khi tham gia đường dây vay nợ này thì cung cách sinh hoạt của vợ chồng này thay đổi chóng vánh. Ngoài ngôi nhà 3 tầng mới cất với tiện nghi đầy đủ, họ đột nhiên chi tiêu rất phung phí, thường xuyên đi “shopping”, mua sắm những mặt hàng đắt tiền.

Một người dân ở đó rỉ tai chúng tôi, thi thoảng thấy có người mang cả bao tải tiền đến nhà V. - H., “họ đếm tiền tính bằng cục một chứ không đếm từng tờ như người ta vẫn làm”. Người dân này cũng bức xúc: “Cả đời tôi làm công nhân, rồi cả con tôi cũng vậy mà vẫn còn đói rách, đằng này chỉ ngồi không mà cứ giàu nứt vách, đúng chỉ có làm ăn phi pháp”.

Đến chiều hôm qua, chủ nợ C. vẫn biệt tích. Thông tin về vụ vỡ nợ sẽ tiếp tục được PLVN cập nhật tới bạn đọc.

Tiến Phong

Đọc thêm