“Vua” bài Tây

“Độc” nhất trong các bộ sưu tập của Nguyễn Văn Châu là các bộ bài về đề tài chính khách, danh nhân. Các bộ bài này lưu lại tất cả các đời Tổng thống Mỹ từ xưa đến nay, hay gương mặt của các ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc. Ngoài ra, còn có 2 bộ hí họa các chính khách nổi tiếng trên thế giới cùng bộ sưu tập chân dung hí họa chính khách của Alfonso Ortuno, một nhà báo nổi tiếng ở xứ sở đấu bò… 

Có lẽ ngay từ buổi đầu đam mê và yêu thích sưu tầm bài Tây từ 25 năm trước, thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu không hề nghĩ đến việc giờ đây anh lại sở hữu một bộ sưu tập lớn như thế về loại hình này.

Vua bài Tây

1. Từng là Phó chủ tịch Hội kiến trúc trẻ TP.HCM, giành được nhiều giải thưởng thiết kế về kiến trúc, Nguyễn Văn Châu hiện là chủ một doanh nghiệp. Anh có khuôn mặt thân thiện, nụ cười đôn hậu, phong cách nói chuyện sôi nổi, rất cuốn hút người nghe.

Trò chuyện với Châu, có cảm giác anh là một nhà khoa học, rất đam mê với nghề, chứ ít ai biết được sâu thẳm trong tầm hồn anh lại có một đam mê mãnh liệt khác: Thú sưu tầm các bộ bài Tây.

Mà thú sưu tầm các bộ bài Tây cũng đến một cách tình cờ với Châu. Hay nói cách khác nó giống như cái duyên trời định, sự run rủi của số phận. Hỏi về thú sưu tầm tưởng như tao nhã, nhưng lại rất công phu này, anh Châu cho biết: “Vào năm 1986, khi đó tôi còn đang là học sinh cuối cấp 2, trên truyền hình có chiếu bộ phim Tây Du Ký rất hấp dẫn và thu hút người xem.

Do nhu cầu thị trường, nên người ta tung ra bộ bài Tây có in hành các nhân vật Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sa Tăng, Đường Đăng, Bạch Cốt Tinh… Tôi cũng mua một bộ về làm làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng đem bộ bài ra xem, niềm đam mê ngấm vào người từ lúc nào không biết và thú sưu tầm bài Tây bắt đầu nhen nhóm trong tôi.

3 năm sau, trong một lần Nguyễn Văn Châu vào hiệu sách, anh tình cờ thấy bộ bài Tây in hình phong cảnh các tỉnh thành ở Việt Nam. Lật giở bộ bài xem, Châu thấy cảnh Tháp rùa in hình trên sóng nước lung linh của hồ Gươm ở Hà Nội, rồi rừng thông Đà Lạt trải dài trùng trùng điệp điệp, cầu Tràng Tiền trên dòng sông Hương thơ mộng ở Huế, hay trụ sở Ủy ban nhân dân TP.HCM với kiến trúc độc đáo.

Trên mỗi lá bài là một danh lam thắng cảnh với vẻ đẹp đặc sắc, mê hồn của nước ta. Thú sưu tầm bài Tây bắt đầu nhen nhóm trong Châu ngày nào như được tiếp lửa, bắt đầu bùng cháy khi anh mua bộ bài Tây này.

Kể từ năm 1986 ấy, 26 năm đã trôi qua tính từ ngày Nguyễn Văn Châu mua được bộ bài có in hình các nhân vật trong Tây Du Ký, anh đã sưu tầm được 800 bộ bài Tây của nhiều quốc gia trên thế giới. Hỏi Châu sao có nhiều loại hình khác về sưu tầm cũng hấp dẫn, sao anh lại đi mê bài Tây?

Anh cười hiền hậu: Nói về sưu tầm thì rất rộng, dường như không có giới hạn và có rất nhiều loại hình như sưu tầm tem, tiền cổ, đồ cổ…, nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào, nên tôi thấy cái này hay và tôi đi theo.

Đúng là thú sưu tầm bài Tây hay như Ngyễn Văn Châu nói. Bởi nó không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa, về lịch sử hay giải trí đơn thuần. Mỗi một bộ bài Tây là một cuốn sách thu nhỏ, kể chuyện bằng hình ảnh, đề cập đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nhân loại. Tiếp cận các bộ bài của anh Châu, người xem có cảm giác như đó là một bảo tàng và được chạm vào nhiều điều hết sức ấn tượng và rất thú vị.

Đáng nói, do là kiến trúc sư nên Nguyễn Văn Châu còn mua không ít các bộ bài có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, đồ họa. Đó là bộ bài về một nhà thờ ở Barcelona, Tây Ban Nha, hay những hòn đá kỳ lạ được biết đến dưới cái tên kỳ quan Stonehenge nổi tiếng  xứ sở sương mù.

Về kiến trúc, Nguyễn Văn Châu còn có bộ bài về lịch sử kênh đào Panama sản xuất từ năm 1926. Xem các quân bài, chúng ta thấy những hình ảnh từ những ngày đầu công trình vĩ đại này từ ngày khởi công, cho đến khi khánh thành và đưa vào khai thác. Tất cả đều được thể hiện bằng những hình ảnh đẹp, rõ nét trên lá bài. Hơn thế, cách trang trí của bộ bài này rất đài các, khác lạ: Mỗi lá bài được phủ lớp nhũ đồng, trông rất đẹp và tạo nên dáng dấp cổ xưa...

2. Để có được bộ sưu tập đồ sộ như thế này, ngoài niềm đam mê mãnh liệt còn phải là sự hao tổn về tâm lực. Có những bộ bài Tây giá cả không đáng bao nhiêu, nhưng để có được chúng là cả một sự kỳ công.

Phần lớn các bộ bài đều được anh Châu tìm kiếm, đấu giá và đặt mua trên mạng. Anh tự nhận mình là một trong những người tham gia dịch vụ mua bán qua mạng internet đầu tiên của Việt Nam. Thông qua dịch vụ này anh có cơ hội làm quen và kết bạn với nhiều người cùng sở thích.

Họ là những người tốt bụng, nhiệt tình, nhiều lúc đứng ra thu mua giúp anh rồi gửi cho anh theo đường bưu điện. Dù vậy, không ít lần các bộ bài đó lại phải trả về nơi người gửi vì quy định bài Tây của ta là phương tiện cờ bạc nên không được nhập khẩu vào Việt Nam. Những lần như thế, Châu cố gắng giải thích đó là thú sưu tầm, là nghệ thuật, rồi mang ý nghĩa văn hóa, nhưng cũng thể “vượt” qua các quy định của pháp luật.

ảnh minh hoạ

Cũng có những bộ bài Tây có giá trị quý hiếm, Nguyễn Văn Châu mua trong những dịp tham gia hội thảo, đi du lịch ở nước ngoài. Để tiết kiệm tiền và tiết kiệm thời gian, Châu mang theo bên mình bịch ruốc ăn kèm ổ bánh mì, ăn nhanh để thăm thú, chiêm ngưỡng và săn lùng bài Tây.

Có lẽ, khi mới bắt đầu sưu tầm bài Tây, Nguyễn Văn Châu thấy có bô bài nào hay đều cố mua bằng được. Nhưng sau một thời gian anh bắt đầu định hướng sưu tầm những bộ bài mang tính nghệ thuật cao. Hay anh sưu tầm những bộ bài đặc biệt, khác lạ. Có bộ bài giữ nguyên kiểu dáng truyền thống, nhưng cũng có bộ bài thiết kế biến tấu theo hình tròn, hình tam giác trong rất lạ.

Ở khía cạnh khác, chất liệu nhiều khi cũng làm nên giá trị của bộ bài Tây. Chẳng hạn anh Châu có bộ bài làm bằng giấy Papyrus có màu ngà ngà của Ai Cập, in hình ảnh con người và các phong tục, tập quán nơi đây. Hay những bộ bài đặc biệt, như bộ bài các tòa nhà cao tầng của thế giới, được đựng trong các vỏ bằng thiếc.

Với khối lượng bài đồ sộ như thế, Nguyễn Văn Châu phải phân loại và sắp xếp rất khoa học. Anh cho biết, đầu tiên là phải xắp xếp theo thời gian và giá trị lịch sử. Hay sắp xếp theo chủ đề. Chẳng hạn, với kiến trúc là  những bộ bài sưu tập về chủ đề công trình kiến trúc lớn, đặc sắc trên thế giới. Từ Vạn Lý trường thành, sân vận động Tổ Chim phục vụ Olympic 2008, đến các tòa cao ốc của thành phố New York, kiến trúc độc đáo của thành Rome, Veince, Barcelona, Kim Tự Tháp…

Hay có thể phân loại các bộ bài theo đề tài thú vị và “độc”. Ví dụ, đó là bộ bài về các loại huân huy chương của một đất nước nào đấy hoặc là các kiểu trang phục sinh hoạt của các tộc người, thổ dân da đỏ… Xem các bộ bài này là được tiếp cận với một câu chuyện lịch sử được trình bày sắc nét,
sinh động, đầy tính nghệ thuật. Ngay cả về nghệ thuật ẩm thực cũng có bộ bài trình bày các món cocktail kèm theo cả công thức và cách chế biến. Đó chính là cuốn cẩm nang thu gọn về cocktail mà bất cứ ai muốn cũng có thể thực hành.

“Độc” nhất trong các bộ sưu tập của Nguyễn Văn Châu là các bộ bài về đề tài chính khách, danh nhân. Các bộ bài này lưu lại tất cả các đời Tổng thống Mỹ từ xưa đến nay, hay gương mặt của các ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc. Ngoài ra, còn có 2 bộ hí họa các chính khách nổi tiếng trên thế giới cùng bộ sưu tập chân dung hí họa chính khách của Alfonso Ortuno, một nhà báo nổi tiếng ở xứ sở đấu bò… Các bộ bài của Nguyễn Văn Châu là một thế giới rộng mở mà ở đó người xem càng khám phá càng mê đắm. 

Mạnh Quang

Đọc thêm