Trong giới chụp ảnh trộm ngày nay đã và đang có nhiều tên tuổi lớn như Mel Bouzad hay Steve Sands, nhưng khó có ai có thể sánh với Rino Barillari, từng được giới trong nghề gắn cho biệt danh “vua chụp ảnh trộm”.
|
Rino Barillari và siêu minh tinh Sofia Lauren tại Roma, năm 2011. |
Những khoảnh khắc đời thường
Sinh ra và lớn lên tại Ý, năm nay Rino Barillari đã 67 tuổi và đã có hơn 50 năm hành nghề chụp ảnh trộm. Khởi đầu của Rino Barillari không khác gì nhiều nhà nhiếp ảnh khác: Năm 14 tuổi, cậu bé Rino từ tỉnh lẻ vùng quê Vibo Valentia lên thủ đô Roma sinh sống và bắt đầu hành nghề chụp ảnh dạo tại đài phun nước Trevi. Tại đây có nhiều tay anh chị chụp ảnh dạo vì thế việc mưu sinh không mấy dễ dàng với Rino. Nhưng rất may khi đài phun nước Trevi là địa điểm nổi tiếng nên có nhiều khách du lịch đến thăm và cậu bé cũng có khách hàng đủ để sinh sống.
Vào thập niên 1950 - 1960, do giá thành sản xuất phim tại Ý rẻ hơn ở Mỹ, nên các nhà sản xuất phim ở Hollywood đem phim qua Ý làm. Do vậy nên nhiều ngôi sao màn bạc nổi tiếng của Mỹ từ bên kia bờ đại dương đến xưởng phim Cinecita tại Roma tham gia đóng phim. Đây chính là thời điểm mà Rino Barillari bắt đầu trở thành người chụp ảnh trộm (paparazzi).
Đa phần các ngôi sao Hollywood đến Ý đóng phim đều có cảm giác đó là chuyến đi đóng phim tác kết hợp nghỉ ngơi nên họ có phần nào thư giãn, không cảnh giác như tại Mỹ. Vì thế paparazzi rất dễ dàng tiếp cận với các ngôi sao của Hollywood để hành nghề. Với Rino Barillari cũng vậy, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng giờ đây mỗi khi hồi tưởng lại những bức ảnh chụp các siêu sao Hollywood ở đài phun nước Trevi, gương mặt của “vua Paparazzi” vẫn bừng sáng, tưởng như ông vừa lập được một chiến công hiển hách.
Trong bộ sưu tập của Rino Barillari có đủ những người nổi tiếng trong đời thường. Ông chụp họ ngồi trong xe hơi, đi dạo trên phố, ngồi ăn trong các nhà hàng sang trọng, đi mua sắm, chọn đồ nữ trang đắt giá trong các cửa hàng kim hoàn. Đó là đệ nhất phu nhân Mỹ - Jackline Kennedy, ngôi sao ballet người Nga Rudolph Nureev, các nữ minh tinh màn bạc Brigitte Bardot, Audrey Hepburn, đạo diễn lừng danh Alfred Jhitchcock, công nương Dianna, siêu mẫu người Đức Claudia Schiffer, siêu sao bóng đá David Beckham... Ống kính của Rino chụp các nhân vật từ mọi góc độ, mọi khoảng cách, từ sau lưng, chính diện, cắt nghiêng, từ trên xuống. Đa phần các bức ảnh của ông không mang tính scandal, đó chỉ là những khoảnh khắc đời thường của các chính khách, các siêu sao trong làng giải trí, giới kinh doanh. Chúng cho người xem một cảm giác thú vị, khi được thấy những người nổi tiếng ở góc độ khác của cuộc sống.
Quan điểm chụp ảnh không nhằm tạo scandal của Rino Barillari cho thấy cái nhìn nhân bản của một nghề hầu như không được xã hội ưa chuộng. Ong kính của “vua Paparazzi” tạo nên sự khác biệt và làm nên thương hiệu của ông. Và có lẽ chính vì thế mà sức hút của ông khá mạnh mẽ. Mỗi khi Rino tổ chức triển lãm ảnh là công chúng lại xếp hàng để xem các tấm ảnh có chất lượng nghệ thuật cao của ông.
Cuộc sống không ngọt ngào
Paparazzi là một trong những nghề nguy hiểm và hay bị kiện tụng nhất. Bởi bên cạnh tài chụp ảnh, Paparazzi còn phải có lòng dũng cảm, những kỹ năng như thám tử tư và cả hầu bao khá nặng để trả cho luật sư mỗi khi hầu tòa.
Thuật ngữ “Paparazzi” xuất hiện vào năm 1960, sau khi công chiếu bộ phim Cuộc sống ngọt ngào (A Bittersweet Life) của đạo diễn người Ý - Federico Fellini. Fellini lấy tên người bạn học thời phổ thông vốn dĩ có tính ba hoa là Paparazzo (tiếng Ý có nghĩa là con muỗi phiền hà) để đặt tên cho nhân vật trong phim. Vì thế trong Cuộc sống ngọt ngào, nhân vật Marcello Mastroianni luôn bị một thợ ảnh trẻ tên là Paparazzo đeo bám.
Paparazzi chụp những bức ảnh scandal của những người nổi tiếng để thu hút sự chú ý của công chúng. Một trong những paparazzi đầu tiên trong lịch sử là nhiếp ảnh gia người Mỹ - Tom Hogwarts. Vào năm 1928, Hogwarts chụp cảnh tử hình nữ tội phạm Ruth Snyder, người đã giết chồng của mình. Do phải chụp lén, nên Hogwarts phải tìm cách buộc máy ảnh phía dưới chân để chụp giá treo cổ. Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thể loại này là vào những năm 1950 - 1960 các máy ảnh ngày càng được cải tiến tốt hơn và các tạp chí giấy láng bắt đầu đăng ảnh của các tay chụp ảnh trộm.
Những paparazzi danh tiếng như Mel Bouzad hay Steve Sands, chủ yếu hoạt động ở Mỹ, nơi có nhiều người nổi tiếng được cả thế giới biết đến. Paparazzi có thể bán vài ba bức ảnh gây scandal với giá hàng trăm nghìn USD, nhưng chi phí họ bỏ ra cũng không ít. Chẳng hạn họ phải sắm đồ nghề tối tân, phải trả tiền cho nguồn tin để biết lộ trình của nhân vật, phải liên tục di chuyển, nhiều khi phải thuê riêng cả trực thăng, xe máy, tàu thuyền, đeo bám theo các ngôi sao, rồi đóng giả những người hâm mộ... Nếu không cẩn thận Paparazzi sẽ bị nện nhừ tử hay phải ra hầu tòa.
Tuy thuộc dạng tay săn ảnh trộm “hiền lành và tử tế”, chủ yếu săn lùng các siêu sao trên đường phố, nhưng Rino Barillari nếm đủ mùi vị cay đắng. Trong sự nghiệp của mình, Rino bị các nhân vật đập vỡ máy ảnh 76 lần, 4 lần ông bị đánh vào mũi, 11 lần đánh vào xương sườn và có đến 162 lần phải “viếng thăm” bệnh viện. Vào năm 1988 ông được giới trong nghề phong tặng là “vua paparazzi” và Sách kỷ lục Guinness công nhận ông là paparazzi bị thương tích nhiều nhất.
Cho đến giờ Rino vẫn không thể quên cuộc cãi vã giữa mình và vệ sĩ của nam danh ca người Mỹ Frank Sinatra. Nếu không có những người hầu bàn của Cafe de Paris can ngăn thì có lẽ ông đã bị nện một trận nhớ đời. Có lần ông bị nữ minh tinh Sonja Romanoff ném cả một cốc kem vào mặt. Khi “vua paparazzi” rình rập chụp ảnh nhà du hành vũ trụ Mỹ Buzz Aldrin, vì quá tức giận đời sống riêng tư bị nhòm ngó, nên Aldrin đã đánh Rino...
Hiện dù đã luống tuổi, nhưng Rino vẫn khỏe mạnh và nói rằng không hề sợ những cuộc va chạm kiểu như tài tử nóng tính Mickey Rourke mà cách đây không lâu ông gặp trong một câu lạc bộ đêm. Hay Rino không ngại ngần tiếp cận Claudia Schiffer, người từng hắt cả xô nước lạnh vào ông khi bị chụp hình lén tại nhà hàng Dal Bolognese.
Hành nghề săn ảnh trộm, nhưng Rino Barillari vẫn được coi là paparazzi có trái tim nhân hậu. Ông không thuộc loại săn ảnh bất chấp mọi giá mà là người quan sát tinh tế hiện thực để chắt lọc các chất liệu cho mục đích của mình. Ông ghi lại những khoảnh khắc trái ngược của cuộc sống, phút dâng trào của một trạng thái tình cảm mà không cần những thủ pháp đặc biệt. Cuộc sống hiện hữu dưới ông kính của Rino như nó vốn có.
Ở một góc độ nào đó, trong Rino là hình tượng của một người lãng mạn hiện đại, là người chuyển tải những ước mơ không bao giờ chết bằng ngôn ngữ của hiện thực với sự trợ giúp của ống kính máy ảnh. Tất cả những điều này khiến cho Rino Barillari được kính trọng và được tôn vinh là “vua” của những kẻ hành nghề được coi là “kẻ thù” của những người nổi tiếng.
Mạnh Quang