Khi được hỏi, làm nghề xây dựng, “sợ” gì nhất, ông Trần Cảnh Quy, Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang trả lời ngay: Mưa. Mưa, nước ngập lênh láng. Mưa, năng suất lao động giảm. Vì thế, làm nghề xây dựng vào mùa mưa anh nào cũng chịu khó nghe… thời tiết.
|
Thi công đường mương thoát nước bên đường Hương Lam – La Châu trong điều kiện thời tiết xấu. |
Chưa nói tới bão lụt, chỉ mưa cũng đã gây khó cho việc thi công công trình rồi. Làm đường, đổ đất lu, lèn đâu vào đó rồi, chờ sáng hôm sau thảm nhựa. Ai ngờ tối đổ mưa, mọi thứ thành công cốc! Phải chờ trời nắng ráo mới xới hết lên cho thiệt khô và làm lại từ đầu. Đó là chưa kể trường hợp vừa mới đổ xong đất đồi đỏ, chưa kịp lu thì gặp mưa, các loại xe cộ qua lại, kéo đất đi khắp nơi làm đường trơn như mỡ, người dân sống hai bên đường bỗng dưng vất vả vì đường. Năm 2008, đoạn đường từ khu dân cư Túy Loan dẫn vô Trung tâm Hành chính huyện dài chỉ nửa cây số mà mất gần 3 tháng trời mới xong, “thủ phạm” chính không ai khác ngoài... mưa!
Thi công các công trình nhà cửa, trường học nhiều khi tô tường, lợp mái xong đâu vào đó rồi mà cả tháng trời không sao sơn, quét vôi được, cũng tại mưa. Bão thì tác hại càng khủng khiếp hơn. Ông Quy kể, năm 2006, khi đang thi công nhà đa năng cho Trường tiểu học Hòa Liên, mới đóng cốp-pha, chưa kịp đổ giằng thì bão số 6 ập tới, tất cả đổ sụp.
So với các năm trước, năm nay “mùa” xây dựng ở Hòa Vang bắt đầu sớm hơn. Theo ông Quy, một phần do thời gian làm thủ tục đầu tư rút ngắn hơn. Trước, công trình có vốn trên 1 tỷ đồng phải đấu thầu rộng rãi, đưa thông báo lên báo chí, thời gian từ khi lập hồ sơ đấu thầu đến khi phê duyệt kết quả đấu thầu mất có khi đến 90 ngày. Nay, công trình có vốn trên 5 tỷ đồng mới đấu thầu, dưới 5 tỷ đồng thì chỉ định thầu. Quy định mới này đã rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư (đối với các công trình có vốn dưới 5 tỷ đồng) xuống còn một nửa. Điều này tạo thuận lợi cho các công trình xây dựng trong mùa mưa bão.
|
Các phương tiện cơ giới cũng “trùm mền” chờ nắng. |
Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, xã Hòa Khương đang được xây thêm dãy nhà 2 tầng gồm 4 phòng thí nghiệm, thực hành với tổng vốn đầu tư 2,064 tỷ đồng trong chương trình kiên cố hóa trường học. Công trình mới được ghi vốn 6 tháng cuối năm 2010, đầu tháng 8 khởi công, cuối tháng 8 đã tranh thủ trời nắng đổ xong gần 300m2 bê-tông sàn thứ hai. Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Hậu nói rằng, 30 năm làm nghề giáo, chưa bao giờ thấy một công trình xây dựng trường học mà tiến độ nhanh đến thế. Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Phúc Tiến Thịnh (quận Cẩm Lệ), đơn vị trực tiếp thi công cho biết, so với các tỉnh Bắc Trung Bộ thì năm nay Đà Nẵng gặp may, cứ mưa 5-7 ngày thì có một ngày tạnh, mình nghe chừng thời tiết, hửng nắng lên là dùng cơ giới đổ bê-tông gấp rút liền.
Đối với chuyện làm đường thì cơ giới cũng “bó tay” với mưa. Ông Nguyễn Phương, phụ trách kỹ thuật của Công ty Xây dựng Hòa Vang, đang thi công đoạn đường dài 1,4km từ đầu đến cuối thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn. Hôm đó, mấy ngày liền mưa không ngớt, 8 công nhân nghỉ chờ việc. Xe lu, xe ủi “trùm mền” chờ nắng. Ông Phương lo lắng, đường thi công theo hình thức thảm bê-tông nhựa mà gặp mưa thì phải đợi nắng ráo 2-3 ngày mới đổ quân làm lại.
Đối với anh Trương Văn Phúc, cán bộ kỹ thuật công trình của Công ty TNHH Hồ Minh (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) thì không phải lo gì nhiều. Anh đang theo dõi làm con đường dài 1,3km nối từ ngã ba Hương Lam (quốc lộ 14B) xuống thôn La Châu, xã Hòa Khương, chọn phương án làm bê-tông xi-măng thay vì bê-tông nhựa. Đây là đoạn đường ngập úng thường xuyên, người dân bức xúc chuyện đi lại mỗi khi mưa lũ về. Con đường rộng 7m kể cả lề đã hoàn thành, chỉ còn đúc bê-tông trực tiếp cho gần 400m mương thoát nước từ quốc lộ xuống. Bê-tông xi-măng thì mưa nhẹ vẫn có thể thi công được, đó là lợi thế để anh có thể hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Bình thường thì thôi, nhưng mưa xuống đơn vị thi công nào cũng đứng ngồi không yên. Đằng sau cơn mưa, trận bão là một chuỗi những rủi ro không ai lường trước được nên ngay cả trong lúc chôn chân trong nhà vì mưa, họ vẫn lắng nghe từng bước đi của “thần mưa”, “thần gió”. Vì thế, có người nói đùa rằng, nghề xây dựng mà thất nghiệp thì sẽ về làm nghề... dự báo thời tiết!
VIÊN PHÚC QUÂN