Cha truyền con nối
Nghe danh “Vua ong” đất Bắc, chúng tôi tò mò tìm về nhà anh Trần Xuân Phong (ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, TP. Tuyên Quang). Ấn tượng đầu tiên của tôi khi có mặt tại nhà anh Phong là hàng nghìn thùng nuôi ong đặt khắp vườn. Phía bên trái nhà anh Phong là một khu xưởng dùng để chế tạo dụng cụ nuôi ong và hàng trăm thùng phuy lớn dùng để chứa mật. Với cơ ngơi này, ít ai có thể nghĩ là của một người mới chỉ 30 tuổi.
Phong tâm sự: “Trước đây bố tôi cũng nuôi ong rồi truyền một số kinh nghiệm cho, nhưng hồi đó cũng chỉ biết thế, chứ vẫn ao ước được đi học đại học rồi kiếm một công việc ổn định. Giấc mơ không thành nên phải về quê lao động chân tay. Trăn trở mất cả năm rồi mới nhìn ra nghề nuôi ong ở chính gia đình mình. Cái chính để tôi đến với nghề vẫn là bố tôi, người đã định hướng cho tôi”.
Nhớ lại nhưng ngày tháng gian lao với nghề nuôi ong, ông Trần Xuân Thư - bố anh Phong chia sẻ: “Năm 1990, sau khi Công ty ong Tuyên Quang giải thể, tôi trở về nhà. Đến năm 1994 thì bắt đầu nuôi thử 50 đàn ong. Nhưng nuôi ong rất khó, phải am hiểu được thời tiết và các vùng địa lý nhiều nơi và thấu hiểu được bản chất của con ong. Sống với nó như bạn thì mới nuôi nó được. Hồi đó, tôi còn ít kinh nghiệm nên gặp phải không ít khó khăn.
50 đàn ong đầu tiên của gia đình tôi được đưa lên Mộc Châu (Sơn La) để tìm nguồn hoa, nhưng do không nắm rõ thời điểm hoa nở rộ, khi đưa đàn ong lên đến nơi thì chỉ còn lác đác một vài nơi còn hoa. Đàn ong bị đói, quay sang cướp mật của nhau. Lúc đi là 50 đàn, lúc về chỉ còn được một nửa. Thấy tôi thất bại như vậy, nhiều người khuyên nhủ nên bỏ đi, kiếm việc khác mà làm cho an nhàn. Nhưng lỡ đam mê với con ong rồi, tôi tiếp tục theo bằng được. Lúc ấy nhà chẳng có gì ngoài chiếc xe máy Simson, tôi cũng đem bán nốt lấy vốn nuôi ong”.
Sau hơn 3 năm vật lộn với đàn ong, năm 1997 ông Thư mới bắt đầu thu lãi từ nuôi ong, ổn định với số lượng 100 đàn.
Hành trình trở thành “Vua ong”
Năm 2002, Phong quyết định tiếp quản đàn ong từ bố. Bước đầu vào nghề, anh luôn vấp phải khó khăn, thiếu đủ thứ từ kinh nghiệm, vốn và đầu ra nên làm ăn không mấy sáng sủa. “Nhiều lúc tôi cũng chán nản muốn đi làm cái khác nhưng nghĩ lại làm cái gì cũng phải kiên trì thì mới mong thành công, chứ đứt gánh giữa đường thì còn làm được gì”, anh Phong nói.
Đoàn thăm quan mô hình nuôi ong của anh Phong |
Suốt ba năm đầu, anh Phong cứ luẩn quẩn với đàn ong mà chưa thấy một chút hiệu quả nào. Đầu năm 2005, anh mạnh dạn đưa sổ đỏ đi thế chấp, vay ngân hàng 500 triệu đồng để mua sắm vật tư, con giống. Đến cuối năm 2005 số lượng đàn ong của anh đã tăng lên 500 đàn. Để nâng cao năng suất cho đàn ong, năm 2006 anh Phong tìm ra cách lai tạo giữa giống ong vàng của miền Bắc với giống ong Ý của miền Nam, tạo thành giống ong lai, vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc.
Bên cạnh đó, anh chủ động di chuyển đàn ong đi đón những mùa hoa ở cả các tỉnh miền Nam để tăng số vụ thu hoạch trong năm. “Cứ vào đầu tháng 12 hàng năm là tôi phải di chuyển đàn ong vào tỉnh Bình Phước đón hoa điều, tháng 2 lên tỉnh Gia Lai hưởng hoa cà phê, tháng 3 quay về tỉnh Bắc Giang đón vụ hoa vải, sau đó chuyển về đón hoa nhãn tại tỉnh Hưng Yên.
Tháng 7 chuyển ong lên tỉnh Sơn La đón vụ hoa càng cua, tháng 10, 11 về tỉnh Hà Giang có hoa bạc hà. Việc di chuyển ong phải làm trong đêm, vì thời gian này là đàn ong về tổ ngủ, có như thế ong mới không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột”. Cứ như thế đàn ong của anh cho mật liên tục, mỗi năm có đến 4 vụ thu hoạch mật.
Sau 11 năm gắn bó với nghề nuôi ong, anh Phong đã phát triển mô hình nuôi ong của mình rộng rãi khắp nơi từ quê hương cho đến Hà Giang, Hải Dương, Bắc Giang, Đắk Lắk. Tính đến thời điểm hiện tại, đàn ong của anh Phong đã lên tới 1.700 đàn, với sản lượng đạt 50 tấn mật /năm và thu lãi 1,3 tỷ đồng/ năm.
Tháng 5/2013 anh Phong đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi ong Phong Thổ do anh làm Chủ nhiệm. Hiện tại HTX đang quản lý 5.000 đàn ong với sản lượng hơn 100 tấn/năm, mỗi năm thu về hơn 2 tỷ đồng.
Xuất khẩu mật ong sang Mỹ
Khát vọng của “Vua ong” Trần Xuân Phong không chỉ dừng lại ở việc sản xuất mật ong thô mà anh còn muốn HTX phát triển thành nhà máy chuyên sản xuất mật ong tại miền Bắc để chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ.
Những tầng mật ong vàng óng từ mô hình nuôi ong của anh Trần Xuân Phong. |
“Ở Việt Nam giờ chỉ có ba mặt hàng được xuất khẩu sang Mỹ là tôm, cá ba sa và mật ong thôi. Sản lượng mật ong của HTX thì không ngừng tăng nhưng vẫn chỉ thu mua và bán sản phẩm thô vào Tây Nguyên để chế biến, rồi thông qua các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khi đó lại phải chi trả 30 triệu đồng cho mỗi chuyến Container chở vào miền Nam. Như thế lãi rất ít mà lại không mang được thương hiệu của HTX.
Nếu như xuất khẩu trực tiếp qua cảng biển Hải Phòng, chi phí sẽ giảm đi nhiều. Nhưng ngoài Bắc mình chưa có một nhà máy chế biến mật ong nào. Nếu xây dựng được một nhà máy ở đây thì giảm tải được nhiều chi phí, không những thuận lợi cho phát triển mô hình nuôi ong rộng trên địa bàn trong tỉnh và cả các vùng lân cận nữa” . Đó chính là lý do anh Phong luôn khao khát xây dựng HTX nuôi ong Phong Thổ trở thành nhà máy vừa sản xuất vừa chế biến mật ong.
Tuyên Quang đánh giá cao mô hình của anh Phong và tỉnh đã quyết định đầu tư 6 tỷ đồng giúp anh Phong xây dựng nhà máy chế biến mật ong. Vậy là ước mơ của “Vua ong” đã sắp thành hiện thực.