Hạn chế tiếp cận thông tin bí mật cá nhân
Theo Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT), mọi công dân có quyền TCTT, trừ những trường hợp bị hạn chế thực hiện quyền TCTT như người dưới 18 tuổi, người có khó khăn trong nhận thức, người mất năng lực hành vi dân sự; người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù.
Các thông tin hạn chế tiếp cận là thông tin thuộc bí mật cá nhân, đời sống riêng tư; bí mật kinh doanh; bí mật trong quá trình điều tra, truy tố xét xử, thi hành án; thông tin có trong tài liệu lưu trữ thuộc danh mục hạn chế sử dụng… Khi nhận yêu cầu đối với các thông tin này, cơ quan nhà nước có quyền từ chối.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh lưu ý, thông tin bị cấm tiếp cận khác với hạn chế tiếp cận, do đó cần làm rõ để tránh những mâu thuẫn trong Dự thảo Luật. Ông Khánh cũng đề nghị bổ sung các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp nhà nước vào chủ thể cung cấp thông tin (hiện chỉ quy định cơ quan nhà nước là chủ thể cung cấp thông tin - PV) bởi các tổ chức này nắm giữ nhiều thông tin có liên quan đến quyền và lợi ích của công dân. Bên cạnh đó, Luật cần có quy định cung cấp thông tin cho những đối tượng yếu thế, đặc biệt là những người tật nguyền để đảm bảo sự thụ hưởng của họ như những người bình thường khác.
Đại diện Bộ Ngoại giao và nhiều ý kiến khác ủng hộ cần có quy định mang tính ưu tiên cho người yếu thế, từ đó có những hình thức tiếp cận thông tin cũng mang tính đặc thù.
Nhận xét quy định hạn chế tiếp cận đối với một số loại thông tin là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, bí mật nhà nước đương nhiên không được cung cấp, tuy nhiên, nếu là bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh… thì nên cho phép người có trách nhiệm quyết định nhưng bằng thủ tục, quy trình chặt chẽ.
Chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai đặc biệt nhấn mạnh thêm: thông tin dù chưa được văn bản pháp luật quy định công bố công khai trước khi thực hiện nhưng liên quan đến lợi ích của nhiều người (như việc chặt cây xanh ở Hà Nội vừa qua) thì cũng cần công bố rộng rãi để người dân biết.
Phải cam kết sử dụng thông tin đúng mục đích
Mặc dù Dự thảo Luật đã có quy định về nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền TCTT cũng như quy định nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật về TCTT thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nhưng nhiều ý kiến cho rằng Dự luật cần quy định rõ, người sử dụng thông tin không được làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác. Thậm chí, trong văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do cung cấp thông tin và có cam kết của cá nhân sử dụng thông tin đúng mục đích để có trách nhiệm ràng buộc.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Nguyễn Linh Kha, không nên quy định theo hướng một chiều về trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin mà nên có cơ chế đảm bảo cơ quan nhà nước được thông tin trở lại nếu đó là các thông tin liên quan đến an ninh - quốc phòng hoặc phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử…
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng cho rằng, cần quy định việc sử dụng thông tin phải đúng mục đích và đảm bảo an toàn thông tin, đặc biệt đối với thông tin bị hạn chế cung cấp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh về phạm vi điều chỉnh, liên quan đến bí mật nhà nước thì để Luật Bảo vệ bí mật nhà nước giải quyết. Tương tự là vấn đề lưu trữ thuộc Luật Lưu trữ. Trước mắt chỉ nên quy định công dân có quyền yêu cầu TCTT mà chưa phải là tổ chức xã hội thay mặt công dân có quyền yêu cầu.
Bộ trưởng cũng lưu ý Dự thảo cần bổ sung những quy định về việc chủ động cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong những trường hợp có thông tin không đúng, thậm chí phản động về cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Đối với thông tin hạn chế tiếp cận, Bộ trưởng yêu cầu phải cân nhắc kỹ, các thông tin mà luật chuyên ngành đã quy định rồi thì không nên đưa vào.