Vùng chiến sự đang tiếp diễn!

Thủ đô Bangkok của Thái Lan trở thành một “vùng chiến sự đang tiếp diễn” khi số người thiệt mạng chỉ trong bốn ngày xung đột giữa quân đội và lực lượng biểu tình chống Chính phủ đã lên đến 25 người.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan trở thành một “vùng chiến sự đang tiếp diễn” khi số người thiệt mạng chỉ trong bốn ngày xung đột giữa quân đội và lực lượng biểu tình chống Chính phủ đã lên đến 25 người.

Lãnh đạo Jatuporn Prompan của phe áo đỏ cho rằng, tình hình bạo lực tại Bangkok chẳng khác gì một cuộc nội chiến. (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo Jatuporn Prompan của phe áo đỏ cho rằng, tình hình bạo lực tại Bangkok chẳng khác gì một cuộc nội chiến. (Ảnh: Reuters)  

“Vùng chiến sự đang tiếp diễn” là tình hình thực tế mà quân đội Thái Lan mô tả những gì đang diễn ra ở khu vực đường Rajprarop và Soi Rangnam. Chiến dịch “mạnh tay” của quân đội được triển khai từ ngày 13-5 đặt Thái Lan trước nguy cơ nội chiến. Thủ tướng Abhisit Abhisit cho rằng, đây là biện pháp duy nhất và cần thiết để giải quyết khủng hoảng hiện tại, để trấn áp biểu tình kéo dài, nhưng có những nghi ngại rằng nhà lãnh đạo này đã mất quyền kiểm soát Chính phủ và quân đội. “Tôi khẳng định những gì mà chúng ta đang làm là cần thiết”, ông Abhisit nói, hàm ý sẽ không thỏa thiệp với lực lượng biểu tình. “Chính phủ phải thúc đẩy tiến trình. Chúng ta không thể rút lui vì chúng ta đang làm những điều có lợi cho toàn thể đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh khi phát biểu trên đài truyền hình quốc gia. Cũng theo ông Abhisit, hoạt động của quân đội chính là câu trả lời nhằm kết thúc khủng hoảng kéo dài hai tháng qua.

Một cột khói cao bao phủ khắp thành phố Bangkok vào ngày 16-5 khi những người biểu tình đốt các lốp xe để làm hàng rào ngăn cản cảnh sát. Tình trạng bạo lực làm dấy lên lo ngại về sự hỗn loạn có thể kéo dài ở một đất nước vốn là điểm đến du lịch nổi tiếng của thế giới, từng được mệnh danh là “đất nước của những nụ cười”. Kể từ khi các cuộc biểu tình vào giữa tháng 3 đến nay, tại nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á này đã có ít nhất 54 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương. Khủng hoảng tưởng như sắp kết thúc với việc đưa ra giải pháp bầu cử vào ngày 14-11 tới, sớm hơn một năm so với lịch trình. Nhưng tất cả những hy vọng này đã vụt tắt khi các lãnh đạo phe áo đỏ đưa ra thêm những yêu sách.

Chiều 16-5, Chính phủ đưa ra một tối hậu thư mới, yêu cầu người già, trẻ em và phụ nữ phải rời khỏi khu vực biểu tình trước chiều nay (17-5) với sự trợ giúp của các nhân viên Chữ thập đỏ. Lệnh giới nghiêm được áp đặt ở trung tâm ngổn ngang - nơi có hơn 10 triệu người đang sinh sống - từ 23 giờ hôm qua đến 5 giờ sáng nay. Theo đó cho phép các nhà chức trách ngăn cản người dân tiến vào khu vực đang bất ổn. Nếu vi phạm lệnh giới nghiêm này có thể nhận mức án cao nhất hai năm tù. Các quan chức yêu cầu đóng cửa các trường học vào hôm nay (17-5) và ngày khai giảng năm học mới cũng được hoãn lại trong một tuần. Mỹ đã sơ tán nhân viên sứ quán ra khỏi Bangkok và cảnh báo công dân nước này cần trì hoãn các chuyến du lịch đến Thái Lan.

Một đất nước vốn có lịch sử đảo chính những ngày qua lại phải oằn mình trong bạo lực chính trị. Nhiều người dân Thái Lan đang mất niềm tin với cam kết của Thủ tướng Abhisit rằng sẽ nỗ lực để bình thường hóa tình hình ở thủ đô với mức thiệt hại ít nhất. Trong lúc này, theo New York Times, khi những gì diễn ra ở thủ đô Bangkok chẳng khác gì cuộc nội chiến - như cáo buộc của lãnh đạo phe áo đỏ - thì mọi niềm hy vọng đang trông chờ vào tiếng nói của Quốc vương Bhumibol Adulyadej.

VĨNH AN

Đọc thêm