Vũng Tàu: Nhiều sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Dịch vụ và vận tải Vũng Tàu

(PLO) - Người đại diện phần vốn nhà nước nắm quyền lực tuyệt đối trong Công ty dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, làm thiệt hại tài sản của nhà nước.
Tàu Sông Xanh 18

Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa năm 2012 với số vốn điều lệ hiện có hơn 164 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước là UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nắm giữ gần 80% cổ phần của Công ty. Là một doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, điều này có nghĩa toàn bộ hoạt động của nhà nước đều do người đại diện phần vốn của nhà nước quyết định.

Theo danh sách cổ đông của Công ty tính đến năm 2017, Công ty có 10 cổ đông, cổ đông nhà nước do ông Nguyễn Khắc Du và bà Lê Mai Ngọc Thảo là đại diện. Trong đó, ông Nguyễn Khắc Du được giao đại diện hơn 69% vốn nhà nước. Ông Du đồng thời giữ hai chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy của Công ty là chức Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.

Theo quy định tại Điều 152 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc do sự tập trung quyền lực này có thể dẫn đến sự lạm quyền, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có hiệu lực gần 2 năm qua nhưng đến nay, Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu vẫn không thực hiện việc tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc dẫn đến việc quyền lực của Công ty tập trung vào cá nhân ông Nguyễn Khắc Du. Hơn nữa, với phần vốn của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do ông đại diện là hơn 69% thì ông Du cũng có tiếng nói tuyệt đối trong Đại hội đồng cổ đông của Công ty. Với tiếng nói quyết định trong cả Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và cả bộ máy điều hành, có thể thấy ông Nguyễn Khắc Du là người quyết định mọi vấn đề của Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu.

Do quyền lực "tuyệt đối" như vậy mà trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều quyết định được ban hành một cách trái pháp luật, gây nguy cơ thiệt hại cho tài sản nhà nước, điển hình là quyết định bán tài sản đặc biệt quan trọng của Công ty là tàu vận tải container Sông Xanh 18.

Theo đó, năm 2015, Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu đã quyết định bán tàu Sông Xanh 18 theo hình thức bán đấu giá tài sản do việc sở hữu tàu này "gây thua lỗ" cho Công ty. Được biết, con tàu vận tải 2000 tấn này được Công ty cho đơn vị khác là Công ty Gemadep thuê để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Campuchia. Khoảng tháng 3/2015, con tàu này đã được Công ty bán với giá 5,7 tỷ đồng.

Kết luận của Kiểm tóa nhà nước về việc bán tàu Sông Xanh 18 của Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu

Mặc dù việc bán con tàu này được thực hiện theo hình thức bán đấu giá nhưng cũng có nhiều dấu hiệu không minh bạch. Theo báo cáo thẩm định của Kiểm toán nhà nước khu vực 13 thì mặc dù HĐQT Công ty có quyền quyết định bán tài sản thuôc sở hữu của Công ty. Nhưng, vì nhà nước đang sở hữu gần 80% vốn điều lệ của Công ty nên người đại diện phần vốn nhà nước phải báo cáo và được sự đồng ý của chủ sở hữu (UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì mới được bán. Việc không xin chủ trương của chủ sở hữu mà đã mang tài sản đi bán rõ ràng là lạm quyền.

Không những thế, khi bán đấu giá tài sản, Công ty đã không thuê đơn vị thẩm định giá xác định giá trị tài sản làm giá khởi điểm để đấu giá dẫn đến việc số tiền 5,7 tỷ đồng bán đấu giá con tàu này có thể là một mức giá "hời" cho người mua, gây thiệt hại cho Công ty. Được biết, năm 2014 cũng đã có một doanh nghiệp hỏi mua con tàu này với giá 8 tỷ đồng.

Theo kiểm toán nhà nước, lý do mà Công ty đưa ra để biện minh cho việc bán tàu Sông Xanh 18 là không có cơ sở. Con tàu được trích khấu hao tài sản cố định trong thời hạn từ 7 đến 15 năm, Công ty đã thực hiện trích khấu hao trong thời hạn 7 năm nên dẫn đến số tiền khấu hao  tài sản hàng năm lớn, làm chi phí gia tăng gây lỗ. Nhưng, thực tế số lỗ trên là lỗ "ảo" vì nếu tiếp tục kinh doanh thêm 2 năm nữa, khi hoàn thành việc trích khấu hao tài sản thì Công ty sẽ có lãi lớn. Do vậy, đây chính là "biện pháp kỹ thuật" để Công ty bán đi một tài sản sắp trở thành "gà đẻ trứng vàng", gây thiệt hại cho nhà nước.

Trong báo cáo kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý tài chính khác. Bên cạnh đó, còn có phản ánh của cán bộ Công ty về việc lãnh đạo Công ty lạm quyền, gây thất thoát và lãng phí tài sản Công ty, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. 

Đọc thêm