Vườn cây trái “miền Tây” khá sum suê, xanh tốt và rất nổi tiếng ấy ở thôn 2, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc – cao nguyên Blao. Và chủ nhân vườn cây trái miền Tây này là người có tên gọi khá đặc biệt: Bảy Cụt!
|
Anh Nguyễn Ngọc Huệ và vườn cây trái miền Tây trên cao nguyên Blao. |
Bảy Cụt có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Huệ, nhưng mọi người vẫn quen gọi anh bằng biệt danh như thế bởi anh bị cụt một cánh tay và là con thứ bảy trong gia đình. Vừa đưa chúng tôi đi thăm vườn, Bảy Cụt vừa kể: “Quê tôi ở Tiền Giang, một trong những tỉnh miền Tây. Tiền Giang là vùng cây trái khá nổi tiếng của cả nước. Cuộc “dịch chuyển” từ Tiền Giang lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng khá… tình cờ. Và, vườn cây trái này được lập nên cũng bằng một suy nghĩ rất… tình cờ”. Trước đây, anh Nguyễn Ngọc Huệ là công nhân cơ khí. Trong một lần vận hành máy, tai nạn xảy ra khiến một cánh tay của anh bị đứt lìa. Nỗi buồn vì tai nạn lao động chưa kịp nguôi ngoai thì ngôi nhà của anh bên một con sông ở quê bị giải tỏa. Nhưng, người công nhân Nguyễn Ngọc Huệ có biệt danh “Bảy Cụt” không nản chí. “Nghe nói đất đai ở Lâm Đồng tươi tốt lắm, nên từ mười một năm về trước, tôi tự mình tìm đến Lộc Châu này và dốc toàn bộ vốn liếng mua đất cà phê ở đây” – anh Huệ tâm sự. Nhưng, cà phê những năm ấy kém giá, lợi nhuận chẳng là bao, khiến người công nhân bị mất một cánh tay này trăn trở nhiều lắm: Phải trồng cây gì đây? Anh Bảy Cụt kể: “Một đêm, tôi nằm và nghĩ: Chả nhẽ đất này chỉ trồng được cây cà phê thôi ư? Quê hương Tiền Giang của mình nổi tiếng với những cây trái miệt vườn như măng cụt, bưởi da xanh… liệu có giúp được gì cho mình trên quê hương mới này không?”. Sau một đêm trằn trọc, anh Bảy Cụt lấy mẫu đất mang đến cơ quan chuyên môn nhờ kiểm nghiệm và cho ý kiến. Và thế là ngay sau đó, 11ha cà phê ở hai khu vườn vừa tậu được của Bảy Cụt dần dần được trồng xen những thứ cây trái miền Tây như bưởi, sầu riêng, măng cụt, saboche… Cứ thế, đến giờ này, 11ha cà phê của Nguyễn Ngọc Huệ đã có thêm 600 gốc sầu riêng, 500 cây bưởi, 500 gốc cam, 600 cây saboche, 400 gốc măng cụt và 400 trụ tiêu. “Cứ mỗi năm tôi trồng xen một ít, bởi không có nhiều vốn. Nhưng, những thứ cây trái “lạ” đối với cao nguyên Blao này đã giúp tôi vượt qua được quãng thời gian cây cà phê “mất giá” trong bản đồ cây trồng của người dân nơi này” – anh Bảy Cụt không giấu nỗi tự hào. Thật vậy, những năm trước đây, nếu người dân Lộc Châu nói riêng và Lâm Đồng nói chung khá khốn khó bởi phải đối mặt với việc cà phê rớt giá thê thảm nên bỏ bê vườn tược thì Nguyễn Ngọc Huệ vẫn trụ vững nhờ thu nhập từ những giống cây trái mang từ miền Tây lên trồng xen trong vườn cà phê rộng những 11ha của mình. Anh Huệ nhớ lại: “Dạo đó, không ít hộ dân trong vùng đã phải ngậm ngùi phá bỏ vườn cà phê của mình để trồng cây khác, nhưng tôi thì không. Nhờ thu nhập từ măng cụt, sầu riêng…, tôi đầu tư đúng mực cho cây cà phê, vì tôi nghĩ việc cà phê rớt giá chỉ là tạm thời”. Suy nghĩ của người công nhân bị mất một cánh tay này đã đúng: Vụ cà phê này, giá cà phê nhân đã có lúc lên “chạm đỉnh” 40.000 đồng/kg. Hôm chúng tôi đến, sân phơi cà phê khá rộng trong khuôn viên nhà anh Nguyễn Ngọc Huệ hầu như không còn chỗ trống. Khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập, anh Bảy Cụt trả lời khá khiên tốn: “Cũng khó mà tính toán một cách cụ thể. Năm nay, cà phê cao giá, mức thu nhập khá cao. Nhưng điều quan trọng nhất với tôi là đã gầy dựng được một vườn cây trái miền Tây ở xứ Blao này!”.
Thi Hoàng