Lớp học bên bờ sóng Trường Sa

(PLO) - Giữa bao la biển trời Tổ quốc, tiếng trống trường ngân vang báo hiệu một năm học mới của các em học sinh Trường Sa bắt đầu. Những đứa trẻ mang đồng phục “áo vằn cánh sóng” ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy không chỉ học chữ, học làm người mà còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện “tinh thần thép”, cùng bộ đội Hải quân canh giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Học sinh đảo Trường Sa Lớn và các đại biểu đến từ đất liền.
Học sinh đảo Trường Sa Lớn và các đại biểu đến từ đất liền.
Đất liền có gì, học sinh Trường Sa có nấy
Hòa nhịp cùng hơn 22 triệu học sinh trên mọi miền đất nước ở đất liền, đúng 7h sáng 5/9, các em học sinh ở ba đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây đồng loạt khai giảng bước vào năm học mới 2015-2016 với niềm phấn khởi tự hào, rạo rực niềm vui.
Tại đảo Trường Sa Lớn, ngoài cô giáo và các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 còn có cán bộ, chiến sĩ đại diện ở các phân đội của đảo đến dự, động viên và trao quà. Giữa biển trời Trường Sa, cán bộ chiến sĩ, giáo viên, học sinh nghiêm trang hướng lên cờ Tổ quốc chào cờ trong bản nhạc Quốc ca rộn ràng vang vọng. 
Cô giáo Đặng Thị Phượng không giấu được niềm xúc động trong ngày khai trường: “Khi nghe tiếng trống vang lên giữa biển trời Trường Sa, trong tim tôi xúc động. Một cảm giác thiêng liêng lạ kỳ. Tôi cảm thấy mình kiêu hãnh, tự hào được dạy học ở đây. Ngoài dạy chữ cho các em học sinh, bản thân tôi cũng rèn luyện, học tập tinh thần bám đảo, giữ biển của các chiến sĩ Trường Sa”. 
Ngay sau lễ khai giảng, các em học sinh thăm Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa tại Đài liệt sĩ, và học bài đầu tiên. 
Tại đảo Song Tử Tây, đúng 7h sáng ngày 5/9, sau nghi thức chào cờ Tổ quốc, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã đánh một hồi trống khai trường năm học mới. Tại đây, Đại đức Thích Nguyên Thành, thầy trụ trì chùa Song Tử Tây và cán bộ chiến sĩ đảo đã tặng quà, sách, bút cho các em học sinh. Trong niềm vui của ngày đưa trẻ đến trường, chị Lê Thị Trúc Hà đưa hai con là Liên Quân (4 tuổi) và Thục Quân (3 tuổi) đến trường. Chị Hà cho biết, chị vừa phục hồi sức khỏe sau khi phẫu thuật ruột thừa tại đảo. 
“Ở giữa đảo xa xôi, các con tôi được học chữ là điều vinh dự lắm. Mấy ngày nay, hai cháu cứ xúng xính mặc áo mới, đeo cặp đi lại trong nhà làm bố mẹ vui lây. Vợ chồng tôi rất phấn khởi, yên tâm sinh sống ở đảo”, chị Hà nói.
Theo ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, năm học 2015-2016, thị trấn Trường Sa đón 13 cháu vào học mẫu giáo. UBND huyện đảo Trường Sa tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cháu được tới trường học tốt nhất. Tất cả học sinh trên ba đảo thuộc quần đảo Trường Sa được cấp phát bút, sách, vở, cặp và nhận được nhiều quà tặng từ các cán bộ chiến sĩ ở các đảo. Giáo viên, học trò rất phấn khởi bước vào năm học mới, phụ huynh học sinh yên tâm cho con đến trường. 
Hiện tại, tất cả các trường học ở ba đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây được sửa sang khang trang, đẹp đẽ. Đất liền có gì thì học sinh Trường Sa có nấy. Có chăng các em chưa có điều kiện được đi chợ hoặc siêu thị như ở đất liền để mua sắm cho năm học mới nhưng các vật dụng đã được trang bị đầy đủ cả”.
Lớp học “xoay vòng” ở đảo Trường Sa Lớn.
Lớp học “xoay vòng” ở đảo Trường Sa Lớn.
 
Những thầy giáo trẻ “ba trong một”
Cùng niềm vui đón năm học mới, hơn một tuần qua, các em học sinh ở đảo Song Tử Tây luyện tập văn nghệ để biểu diễn trong ngày khai giảng. Bên cột mốc chủ quyền, lời bài hát “Em là học sinh của đảo Trường Sa” rộn ràng, xúc động. 
Thầy giáo Lê Xuân Quyết cho biết: “Biểu diễn văn nghệ trong ngày khai trường ở đảo Song Tử Tây đã thành nền nếp hàng năm. Đây chính là bài học đầu tiên để các em cảm nhận được tình yêu đối với biển, đảo; yêu trường, yêu lớp. Trường đảo Song Tử  Tây có 11 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tất cả các em đều là con của người dân sống trên đảo”.
 Do điều kiện dạy học xa đất liền và để thuận lợi cho việc sinh hoạt đời sống thường nhật, ngoài giáo viên nữ ở đảo Trường Sa Lớn thì các giáo viên ở hai trường Song Tử Tây và Sinh Tồn chủ yếu là nam giới. “Trong điều kiện dạy học ở đảo thì giáo viên là nam giới có nhiều thuận lợi hơn, nhất là mỗi lần thay ca vào đất liền. Mặt khác, ở đảo bộ đội chủ yếu là các chiến sĩ nữ, nên bố trí giáo viên là nam giới cũng nhiều cái thuận lợi, hợp lý. 
Do học sinh ít nên các lớp từ lớp một đến lớp 5 đều học một giáo viên. Các em học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5 thì học sinh lớp 3 ôn bài, học sinh lớp 2 làm bài tập. Tuy khó nhưng vì ít học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em”, thầy Quyết cho biết.
Gắn bó với học sinh ở đảo Song Tử Tây hai năm nay, thầy giáo Lê Xuân Quyết không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đứng trên bục giảng mà học sinh của mình chỉ có 9 học trò và phải học xoay vòng. Các em có độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5, lại phải học chung một lớp nên việc một giáo viên dạy trong một khuôn viên gặp không ít khó khăn. Khó nhất là mỗi lần các em nhỏ làm nũng, thầy Quyết phải đóng vai trò “bảo mẫu” động viên các bé. “Ngày mới dạy học ở đảo tôi rất bỡ ngỡ, nhưng rồi quen dần với cách dạy học ở đây. Tôi yêu nghề và gắn bó với đảo, bản thân tôi coi học sinh như con mình”, thầy Quyết chia sẻ.
Hơn hai năm gắn bó với Trường học đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ Đồng Minh Hiệp, nguyên là sinh viên Khoa Tiểu học khóa 35, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang tình nguyện ra đây dạy học từ năm 2014. Khó có thể nói hết những ngày đầu tiên bỡ ngỡ dạy chữ ở nơi “chân trời Tổ quốc”, nhưng thầy đang dạy học sinh trên đảo nhỏ này với tất cả lòng nhiệt tình, tình yêu nghề của người giáo viên trẻ tuổi. 
“Tôi luôn hãnh diện mỗi lần đứng trên bục giảng dạy học cho các em học sinh ở đây, và đó cũng là niềm vui lớn nhất của tôi. Ngoài dạy chữ, tôi cũng muốn thử sức trẻ của mình cùng các chiến sĩ hải quân. Trên bục giảng tôi là giáo viên, ngoài giờ dạy tôi là công dân, khi bảo vệ đảo tôi là chiến sĩ”- thầy Hiệp nói đầy tự hào.
Hòa cùng nhịp sống đất liền, tiếng trống Trường Sa đã điểm, năm học mới của những chiến sĩ nhí “áo vằn cánh sóng” giữa đại dương đã bắt đầu. Ở “chân trời” Tổ quốc ấy, ngoài học kiến thức, tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện “tinh thần thép”, cùng bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Còn các thầy, cô giáo trẻ, họ như con ong chăm chỉ ngày đêm gieo chữ. Lớp học của họ bên bờ sóng biển Trường Sa./.

Đọc thêm