“Vườn thú online” - hướng đi mới giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
Động vật tại Thảo Cầm Viên.
Động vật tại Thảo Cầm Viên.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ý kiến cho rằng Thảo Cầm Viên Sài Gòn có thể ứng dụng công nghệ triển khai “Vườn thú online”- mô hình nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa khi TP HCM giãn cách xã hội từ tháng 5/2021. Ngoài sụt giảm về doanh thu, gánh nặng phải duy trì thì còn nhiều cái khó khác như tình hình lưu thông, đi lại, mua hàng hoá thực phẩm khó khăn. Trước đó, Thảo Cầm Viên cũng đã có đợt phải đóng cửa, tình hình dịch khiến hoạt động đón khách gặp khó khăn trong suốt 2 năm trời dẫn đến nhiều khó khăn về tài chính. Trong đó, chi phí để duy trì hoạt động, mua thức ăn cho động vật là vấn đề nan giải nhất.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đề xuất Sở Xây dựng hỗ trợ gần 30 tỷ đồng để chăm sóc động vật, thực vật. Trước đó, hơn 300 nhân viên của Thảo Cầm Viên cũng đã tình nguyện giảm 30% lương từ tháng 8/2020. Còn với người dân, tuy Thảo Cầm Viên không lên tiếng nhờ cộng đồng hỗ trợ, nhưng người dân đã chủ động lan toả thông tin để hỗ trợ động vật tại đây.

Với nhiều người dân TP HCM, Thảo Cầm Viên là nơi quen từng gắn bó với tuổi thơ. Họ ủng hộ chỉ vì đơn giản là muốn giữ lại cho con, cháu mình một chốn vui vẻ của tuổi thơ sau này.

Thảo Cầm Viên đóng cửa dài ngày do ảnh hưởng dịch bệnh.

Thảo Cầm Viên đóng cửa dài ngày do ảnh hưởng dịch bệnh.

Thảo Cầm Viên là vườn thú có “tuổi thọ” đứng hàng thứ 8 trên thế giới, đến nay đã 156 tuổi. Nơi này chăm sóc và bảo tồn 1.373 cá thể thuộc 145 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, báo lửa, báo gấm, hươu vàng... và hơn 900 loài thực vật.

Theo dự toán của Thảo Cầm Viên, từ tháng 7 đến tháng 12/2021, chi phí chăm sóc động, thực vật của đơn vị hơn 45,7 tỷ đồng. Đơn vị này đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm và giảm các khoản chi phí để duy trì hoạt động thường xuyên, tối thiểu trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.

Trên Fanpage của mình, Thảo Cầm Viên cũng đã có những hoạt động “linh động” kinh doanh thêm các sản phẩm phù hợp như cây giống, cây cảnh phục vụ nhu cầu chăm sóc cây cảnh của người dân… Đồng thời, Fanpage của Vườn thú cũng thường xuyên đăng tải, cập nhật các clip cảnh nhân viên chăm sóc các con thú ngày giãn cách, những sinh hoạt thú vị của động vật trong Thảo Cầm Viên, thu hút được sự quan tâm, tương tác của đông đảo người xem.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thảo Cầm Viên nên phát triển thế mạnh của mình để xây dựng hình thức “tham quan vườn thú online”. Trong thời điểm dịch phức tạp, nhiều nơi trên thế giới đã triển khai “vườn thú online”, bán vé hoặc cho khách tham quan miễn phí. Những hoạt động này xây dựng trên nền tảng ứng dụng 3D, cho phép người xem có thể làm một chuyến “du hành” vào vườn thú, xem đời sống, sinh hoạt của các con thú, các nhân viên cho ăn, huấn luyện thú. Đồng thời còn có nhiều hoạt cảnh 3D dựa trên các con thú trong vườn. Cùng với đó là lời thuyết minh chi tiết của các hướng dẫn viên.

Ứng dụng này cũng đã và đang được thực hiện tại các Bảo tàng trong và ngoài nước. Việc Thảo Cầm Viên TPHCM “để lỡ” việc ứng dụng để xây dựng hoạt động thăm quan online trong suốt 2 năm dịch khiến nhiều người tiếc nuối. Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít người dân cho biết sẵn sàng bỏ tiền bằng tiền mua vé thăm quan trực tiếp hoặc mức phí cao hơn để bản thân và con cái được tham quan online vườn thú.

Đó cũng là hướng đi mà Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần cân nhắc đến, dù tình hình dịch bệnh đang dần trở nên ổn định. Bởi ở thời buổi công nghệ, ứng dụng 4.0 vào hoạt động thăm quan là hoàn toàn cần thiết, không chỉ giúp du khách từ các tỉnh, thành khác có thể từ xa “click chuột” thăm thú Thảo Cầm Viên, mà còn đa dạng hơn lựa chọn cho khách tham quan vườn thú, không để mình đứng ngoài bước tiến của công nghệ.