Vươn về phía mặt trời...

Chiều muộn ngay trước hôm diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) thành phố lần thứ III được tổ chức long trọng vào sáng qua, 26-10, tại Nhà hát Trưng Vương. Trên con đường Bắc Đẩu, phía giáp với đường Nguyễn Tất Thành, có một người công nhân vệ sinh, dáng gầy gò, đang nhẫn nại nhặt những bao rác của các hộ dân đưa ra ven đường, bỏ vào thùng rồi cắm cúi kéo đi.
Chiều muộn ngay trước hôm diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) thành phố lần thứ III được tổ chức long trọng vào sáng qua, 26-10, tại Nhà hát Trưng Vương. Trên con đường Bắc Đẩu, phía giáp với đường Nguyễn Tất Thành, có một người công nhân vệ sinh, dáng gầy gò, đang nhẫn nại nhặt những bao rác của các hộ dân đưa ra ven đường, bỏ vào thùng rồi cắm cúi kéo đi.
Anh Lưu Văn Hùng với các đại biểu tại Đại hội.
Dáng vẻ nhẫn nại và chăm chỉ ấy, cho thấy rằng anh đã làm việc này từ lâu, lâu lắm rồi và công việc đã trở thành quen thuộc. Những người dân ở khu vực các phường Thuận Phước, Thanh Bình của quận Hải Châu cũng không còn lạ gì anh.

“Nhưng tôi thấy lạ, vì sớm ngày mai anh ấy đi dự Đại hội TĐYN thành phố, là một trong 216 tấm gương tiêu biểu được tuyên dương toàn thành phố, mà bây giờ còn cặm cụi đi thu gom rác!” - Ông Nguyễn Tấn Quyền, ở số 6, đường Bắc Đẩu tâm sự với chúng tôi. Đó là ông đang nói về anh Tống Minh Trình, công nhân đang đạp xe ba gác thu gom rác cần mẫn trong buổi chiều muộn ấy trên đường Bắc Đẩu.

“Tôi chưa thấy ai làm công nhân thu gom rác mà như ảnh. Anh Trình làm việc rất có trách nhiệm, có động cơ rõ ràng, đúng đắn, thể hiện rõ chiều sâu của một người nhận thức được ý nghĩa công việc mình làm. Mười giờ, mười một giờ đêm, có hôm trời lạnh buốt, nằm trong nhà tôi còn nghe ảnh kéo thùng đi nhặt rác trên đường. Bà con ở đây ai cũng thương yêu; nghe nói sáng mai ảnh đi dự Đại hội TĐYN thành phố mà ai cũng mừng, cứ như là mình được đi dự vậy!” - Ông Quyền hồ hởi khoe.

Nhưng mấy ai biết được, người công nhân thu gom rác gắn bó gần 20 năm với mỗi mét vuông đất trên địa bàn mình phụ trách ấy, lại có một hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Cả gia đình anh, từ miền quê nghèo Thiệu Hóa, Thanh Hóa vào Đà Nẵng lập nghiệp, chen chúc trong một căn nhà thuê chật hẹp, cũ nát ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Thu nhập cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương chưa đến 2 triệu mỗi tháng của anh; vợ đi làm thuê kiếm thêm chưa đến 1 triệu đồng nhưng phải gánh chi phí cho hai đứa con, một đang học năm thứ 3 Đại học Duy Tân, một là học sinh lớp 10 chuyên Toán Trường THPT Trần Phú.
Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, anh phải lăn lưng ra với nhiều công việc cực nhọc, từ vét bèo, vớt rác đến cọ rửa thùng nồi… không kể sớm tối, nắng mưa. “Nhưng công việc và những đứa con là niềm tự hào của gia đình tôi, để tôi sống với nghề thu gom rác, là công nhân của Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 1, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình chỉ đơn giản là người bốc rác” - Anh ngước khuôn mặt xương xẩu với đôi mắt bạc màu vì công việc mưu sinh nhưng ánh niềm tự hào khi tâm sự về nghề, về gia đình bé nhỏ của mình.

Trong ánh mắt ấy, tôi đọc thấy những điều anh chưa nói, nhưng đã được những người như ông Nguyễn Tấn Quyền nói hộ. Rằng với sự tận tâm tận lực với nghề, vượt qua những khó khăn, gian khổ để góp một phần công sức của mình vào việc giữ cho mỗi góc phố, mỗi con đường thêm sạch đẹp, giữ cho nếp nhà yên ấm, người công nhân cần mẫn ấy xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào TĐYN không chỉ của đơn vị anh, mà của cả thành phố này.

Trong buổi sớm mai rộn ràng những gương mặt cùng chung nét ngời sáng ấy tụ hội về Nhà hát Trưng Vương, có không ít những tấm gương thật bình dị, chất phác, tận tụy với công việc, với đời sống để viết nên những vần thơ đẹp cho cuộc sống bộn bề hôm nay. Như chị Nguyễn Thị Kiều Ngọc, công nhân đứng máy sợi con của Công ty Sợi thuộc Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ là một ví dụ. Người công nhân ấy có “tuổi thơ là những chuỗi ngày gian khó, gia đình đông anh em, quanh năm lam lũ làm ăn mà cái nghèo vẫn luôn đeo bám” như lời tâm sự rất chân tình của chị; nên sau khi học xong THPT, chị phải ngậm ngùi gác giấc mơ vào giảng đường đại học để bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chị mang nỗi niềm tự ti, khép kín ấy vào trong công việc của một người thợ ở Công ty Sợi. Thế nhưng, với sự động viên của mọi người và sau thời gian làm quen với công việc, chị bỗng nhận ra những giá trị của bản thân. Chị không ngừng vươn lên, mày mò học hỏi, tận tâm với công việc để rồi trong 2 lần tham gia Hội thi Thợ giỏi toàn quốc do Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức (năm 2005, năm 2010), chị liên tiếp đoạt giải, được công nhận là Chiến sĩ Thi đua một cách thuyết phục.

Nhưng giá trị đích thực chưa dừng lại ở đó. Nhận chân giá trị của phong trào ở một đơn vị có bề dày thành tích thi đua, chị gắn cuộc sống với những người đã cùng chia sẻ ngọt bùi, đã dẫn dắt chị đến với thành công. Thế nên, chị tâm sự: “Trong khủng hoảng kinh tế năm 2008, một số anh chị em bỏ nghề, kiếm một công việc khác có thu nhập cao hơn nhưng tôi vẫn thiết tha và quyết gắn bó với nghề. Bản thân tôi đã có nhiều trăn trở làm thế nào để tăng cao được năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập và đời sống, góp phần xây dựng công ty và Tổng Công ty vượt qua khủng hoảng, ổn định sản xuất và phát triển đi lên”.

Những lời tâm sự ấy của cô công nhân đứng máy sợi Nguyễn Thị Kiều Ngọc như được minh chứng bằng những thành quả rất thật mà đơn vị cô - Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ đạt được trong chặng đường thi đua 5 năm qua. Tại Đại hội TĐYN lần này, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ là một trong 20 tập thể tiêu biểu đã vinh dự nhận Cờ Thi đua của UBND thành phố nhờ những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Trong những năm qua, Tổng Công ty không ngừng phát triển vươn lên, từ đơn vị  khá đã phấn đấu trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng hằng năm bình quân tăng hơn 23%. Năm 2005, doanh thu chỉ đạt 437 tỷ đồng thì đến năm 2009 doanh thu đạt 963 tỷ đồng và dự kiến năm 2010 sẽ vượt 1.200 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2005. Từ năm 2005 đến nay, Tổng Công ty đã trích nộp ngân sách gần 70 tỷ đồng; đóng góp công tác xã hội hơn 2 tỷ đồng… Phong trào Thi đua lao động giỏi được cán bộ, công nhân viên nhiệt tình hưởng ứng; để trong 3 năm gần đây, Tổng Công ty đã được công nhận 67 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 5 chiến sĩ thi đua cấp Bộ Công nghiệp, 1 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 894 lượt người được công nhận lao động xuất sắc, gần 10 nghìn lượt người được công nhận là lao động tiên tiến…

Trong mỗi bước đi lên của một tổ, đội sản xuất, hay một phòng, ban chuyên môn… cho đến mỗi cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, đã có những gương mặt bình dị mà ngời sáng như anh Tống Minh Trình, chị Nguyễn Thị Kiều Ngọc… Họ vượt qua được cái ngưỡng bổn phận làm cho xong việc và đã hướng đến dành cái “tâm” thực sự của mình vào đó. Giống như một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, có một ngọn cỏ yêu mặt trời tha thiết. Nhiều người gièm pha rằng làm sao ngọn cỏ nhỏ bé thế kia mà vươn đến được với mặt trời vời vợi chói ngời trên cao.
Thế nhưng, mỗi rạng đông, ngọn cỏ đều cảm nhận được những tia nắng ấm áp mà mặt trời dành cho mình; nó vươn lên, vươn lên từng ngày như thế hướng về phía mặt trời. Cho đến một ngày, người ta không nhận ra ngọn cỏ bé nhỏ ngày xưa, mà nó đã trở thành một cây keo sừng sững, sum suê… Những con người bình thường với những công việc thật bình dị ấy, cũng như ngọn cỏ kia, đã vươn lên hướng về phía ngọn cờ thi đua, để rồi không những họ vượt qua được những trở ngại, khó khăn trong đời sống, mà đã trở thành những tấm gương, đã viết nên những điều thật kỳ diệu trong cuộc sống.

Đó là anh Lưu Văn Hùng, không bao giờ cam chịu thân phận tật nguyền, đã vượt lên hoàn cảnh để không chỉ trở thành một vận động viên khuyết tật xuất sắc, mà 10 năm qua còn là Đội trưởng Đội Dân phòng Cơ động phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu với những chiến công đầy thuyết phục trong phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn bình yên thành phố. Là anh Phan Phú Tri, lái xe taxi Mai Linh, cần mẫn, kiên trì với công việc, với một tâm niệm rằng “người lái xe không chỉ điều khiển phương tiện an toàn tuyệt đối trong kinh doanh mà còn cần phải có kiến thức và các kỹ năng về giao tiếp, trung thực, tận tụy với công việc”, từ đó “góp phần giữ vững và phát triển uy tín thương hiệu doanh nghiệp, uy tín của ngành vận tải thành phố, góp phần xây dựng Đà Nẵng là điểm đến thân thiện và an toàn của nhiều bạn bè và du khách” như anh tâm sự. Chính anh cũng đã trực tiếp tham gia bắt vụ cướp tiệm vàng H.K.N. ngay giữa ban ngày tại trung tâm thành phố...

Chính họ, đã góp phần viết nên những nét ngời sáng riêng trong buổi sáng ngập tràn sự tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào TĐYN của Đà Nẵng; mở ra một trang mới trong phong trào này… Như những ngọn cỏ luôn hướng về mặt trời ngời sáng để rồi làm nên những giá trị tốt đẹp của chính mình!

Ghi nhanh của NGUYỄN THÀNH

Đọc thêm