Vướng mắc trong quy hoạch làng bè La Ngà

(PLVN) -  Sau sự cố gần 1.000 tấn cá nuôi lồng bè chết trắng trên sông La Ngà, UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng đề án quy hoạch làng bè để giảm thiểu rủi ro cho các hộ nuôi, dự kiến tháng 5/2020 sẽ hoàn thành di dời các lồng bè về đúng vị trí quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 70 hộ đồng tình với chủ trương trên.
Vướng mắc trong quy hoạch làng bè La Ngà

Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An

Đề án "Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An” được triển khai nhằm mục đích định hướng quy hoạch phát triển nghề nuôi thủy sản, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất. Đồng thời, đề án nhằm tận dụng tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước cho thủy điện Trị An nhằm tạo kinh kế và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển du lịch và đáp ứng đa mục tiêu trong việc sử dụng hồ chứa.

Theo số liệu từ UBND huyện Định Quán, khu vực này có khoảng 200 hộ đang nuôi cá bè, trong đó có 168 hộ nằm trong diện phải di dời đến điểm nuôi theo quy hoạch. Việc quy hoạch làng bè La Ngà theo đề án là phần đầu tiên cần triển khai thực hiện, do UBND huyện Định Quán đứng ra phối hợp với đơn vị quản lý hồ Trị An vận động bà con đến các vùng nuôi mới, trước mắt nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm vùng nước.

Các hộ nuôi cá tại làng bè La Ngà vẫn kiên trì bám trụ vị trí gần chân cầu trong thời gian dài.
Các hộ nuôi cá tại làng bè La Ngà vẫn kiên trì bám trụ vị trí gần chân cầu trong thời gian dài.

Dự kiến, sau khi di dời sẽ triển khai sắp xếp và ký kết các hợp đồng sử dụng mặt nước, đảm bảo các điều kiện nuôi cá bè, đơn vị hữu trách theo Đề án sẽ giám sát nguồn giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản, tổ chức, quản lý sản xuất, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường… đối với những hộ nuôi cá bè trên hồ Trị An theo đúng quy định.

Như vậy, đề án quy hoạch vùng nuôi cá bè đã mở ra cho người dân một cơ hội mới, được cấp phép, danh chính ngôn thuận sử dụng mặt nước nuôi cá trên lòng hồ, đồng thời, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi, tránh tình trạng cá chết hàng loạt tái diễn nhiều năm qua.

Vì sao người nuôi từ chối quyền lợi, chấp nhận rủi ro?

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu triển khai, việc thực hiện phần thứ nhất của đề án là di dời bè đến điểm nuôi theo quy hoạch đã trở nên vô cùng nan giải. Bởi lẽ đối với một số hộ, việc cố định vùng nuôi là đặc biệt khó khăn, do họ di chuyển bè theo con nước lên xuống. Thêm vào đó, các hộ nuôi cho rằng, vị trí quy hoạch mới nằm trong khu vực có sóng to gió lớn, hệ thống bè sẽ không trụ được dễ bị đánh sập, hoặc văng phuy (thùng nổi), thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Người nuôi cá di chuyển bè theo con nước lên xuống.
 Người nuôi cá di chuyển bè theo con nước lên xuống.

Trước những khó khăn này, Ban quản lý lòng hồ Trị An đề ra giải pháp di chuyển bè cá vào những điểm eo sát bờ phía trong khu quy hoạch. Nhưng theo các hộ nuôi, nếu đặt bè tại các vị trí nước tù, không có dòng chảy, nước sẽ bốc mùi hôi và cá sẽ không sống được. Bên cạnh đó, một số ý kiến về việc quy hoạch không có bến cá, dẫn đến khó khăn trong quá trình vận chuyển cá thương phẩm của các hộ nuôi.

Ngoài ra, một số người nuôi thắc mắc về vấn đề hỗ trợ trong trường hợp xảy ra thiệt hại tại vùng nuôi mới, việc đảm bảo về an ninh, hỗ trợ về về vốn, con giống, hỗ trợ về thị trường, cơ sở hạ tầng ở khu vực di dời đến như đường sá, trường học…

Có thể thấy, việc người nuôi “từ chối” lợi ích của đề án, tiếp tục chọn lựa mưu sinh tại một điểm có nhiều nguy cơ là một quyết định khó khăn, vì nếu xảy ra rủi ro người trực tiếp gánh chịu thiệt hại sẽ là chính các hộ nuôi. Và khi nguyên nhân vẫn được xác định là do thiên tai, ngân sách lại tiếp tục bị tăng chi cho các hoạt động hỗ trợ theo quy định.

Đánh bắt cá mưu sinh trên lòng hồ Trị An.
 Đánh bắt cá mưu sinh trên lòng hồ Trị An.

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Định Quán - cho biết, đầu năm 2020 huyện Định Quán đã chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai thực hiện tuyên truyền, vận động đối với các hộ thực hiện di dời  ra các vùng nuôi để đảm bảo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số hộ thực hiện di chuyển không xác định vùng nuôi, lại di chuyển theo con nước nên rất khó thực hiện theo đề án. Hiện tại khu bảo tồn cũng đang nghiên cứu phương án để hỗ trợ cho người dân nhằm đảm bảo  cuộc sống khi thực hiện đề án này.

Có ý kiến cho rằng, để giải quyết được thực trạng trên các bên cần tính toán kỹ lưỡng tìm ra các giải pháp phù hợp giữa người nuôi và chính sách thực hiện sao cho lợi ích thiết thực của đề án có thể đến được với hộ nuôi . 

Đọc thêm