“Vương miện” cho người đẹp lỡ hẹn Hoa hậu Hoàn vũ 2018

(PLO) - Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018 trong tuần qua đã khép lại với vương miện được trao cho thí sinh đến từ Philippines Catriona Gray. Tuy nhiên, có một cô hoa hậu khác dù không một ngày được mang tư cách thí sinh nhưng vẫn thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông thế giới, đó là cô Marie Esther Bangura - Hoa hậu Sierra Leone.
Hoa hậu hoàn vũ Sierra Leone Marie Esther Bangura

Giữa dàn các thí sinh xinh đẹp dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ năm nay, Marie Esther Bangura tuy không được sải bước trên sân khấu của các nội dung thi chính thức nhưng vẫn nhận được sự cổ vũ, khen ngợi mạnh mẽ của người hâm mộ nhiều nơi trên thế giới nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cô.

Muôn sự cũng tại chữ “nghèo”

Là hoa hậu, đại diện cho đất nước tham gia cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ nhất hành tinh nhưng hành trình đến với cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ năm nay của Marie Esther Bangura là một quãng đường dài và đầy khó khăn, theo đúng nghĩa đen. Đất nước nghèo nàn nên cô hoa hậu trẻ phải “một thân một mình” khăn gói đi “tỉ thí” mà không hề có ai giúp sức, tài trợ. 

Để tiết kiệm chi phí cũng như một số vấn đề liên quan đến giấy tờ đi lại, Marie Esther Bangura đã phải di chuyển bằng phà từ Sierra Leone qua Ghana rồi từ đây tìm đường Đại sứ quán Thái Lan ở Nigeria xin visa. Sau đó, cô lại tiếp tục từ Nigeria tới Ethiopia rồi đáp chuyến bay tới Bangkok. Hành trình này khiến cô gái trẻ mất đến 2 tuần.

Trước khi Marie Esther Bangura xuất hiện ở sân bay vào ngày 8/12 tại Bangkok, một số tờ báo thậm chí đưa tin cô đã mất tích vì cô không đến nơi tập trung và trong suốt 3 ngày liền trước hạn chót để các thí sinh có mặt tại Thái Lan, cô không có bất cứ đăng tải gì mới trên tài khoản mạng xã hội. 

Song, vì đến muộn 6 ngày so với hạn chót tập trung là 2/12 nên ban tổ chức đã gạch tên Marie Esther Bangura khỏi cuộc thi. Marie Esther Bangura đã không được chấp thuận tham gia cuộc thi mà chỉ được ban tổ chức sắp xếp cho tham gia một số hoạt động bên lề của cuộc thi. Không từ bỏ, cô chấp nhận ở lại, tham gia những sự kiện được tham dự.

“Tôi luôn muốn đại diện cho đất nước mình, muốn mọi người biết đến đất nước mình nên vẫn tiếp tục ở lại tham gia các hoạt động bên lề của cuộc thi”, cô cho biết khi trả lời phỏng vấn báo chí Thái Lan. 

Câu chuyện về hành trình vượt muôn ngàn sóng gió đầy khó khăn từ đất nước Tây Phi xa xôi tới Thái Lan của Marie Esther Bangura được cô chia sẻ trên mạng xã hội đã được sự chú ý của nhiều người dân và truyền thông Thái Lan.

Một phụ nữ Thái Lan tốt bụng tên Phimnipha Dechkul sau khi đọc được câu chuyện đã tìm đến và tình nguyện dẫn dẫn Marie đi tham quan khắp Bangkok, tài trợ trang phục và chụp cho cô “Hoa hậu bên lề” rất nhiều hình ảnh đẹp.

Những bức ảnh và video đó khi được đăng tải trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Khán giả Thái Lan để lại nhiều bình luận khen ngợi sự xinh đẹp, lạc quan, yêu đời và cả tinh thần không khuất phục của cô hoa hậu trẻ tuổi.

“Dù không được tham gia thi thố nhưng tôi vẫn rất vui vì được gặp nhiều người, được biết thêm nhiều thứ mới. Mỗi việc trải qua sẽ cho chúng ta thêm một bài học và tôi đã học được một bài học rất thấm thía. Tôi đã được gặp rất nhiều người và cảm thấy được yêu thương rất nhiều”, Marie Esther Bangura cho hay. 

Dù không thể sải bước trên sân khấu Hoa hậu hoàn vũ thế giới nhưng Marie Esther Bangura và hành trình đi thi hoa hậu tưởng chừng như đã đi vào bế tắc của cô đã có được một cái kết tương đối đẹp đẽ. Cô vẫn đã tỏa sáng theo cách rất riêng, đã thành công đáng kể trong việc quảng bá đất nước tới bạn bè thế giới. 

Marie Esther Bangura trong một cuộc trình diễn

Theo tiểu sử được công bố, Marie Esther Bangura đến từ quận Port Loko, là Hoa hậu Hoàn vũ thứ ba trong lịch sử Sierra Leone - một trong các nước nghèo nhất thế giới. Cô gái này năm nay mới 18 tuổi và đang là sinh viên theo học ngành kiến trúc tại một trường đại học trong nước. Ngoài việc học tập, cô cũng là một người mẫu nghiệp dư.

Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ mới chỉ được tổ chức tại Sierra Leone từ năm 2016 và được xem là cuộc thi sắc đẹp lớn nhất ở nước này. Hoa hậu hoàn vũ của Sierra Leone sẽ đại diện cho nước này tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ toàn cầu.

Đất nước nghèo nhất thế giới

Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 6 vừa qua, Sierra Leone là nước nghèo thứ 10 thế giới. Năm 1991, nội chiến bùng nổ ở nước này sau khi một nhóm nổi dậy có tên Mặt trận cách mạng thống nhất tìm cách lật đổ Chính phủ của Tổng thống Joseph Momoh hòng giành quyền kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở phía đông và phía nam Sierra Leone – là những địa bàn có nhiều loại kim cương quý. 

Cuộc nội chiến kéo dài 11 năm, tới năm 2002 ở nước này đã khiến khoảng 50.000 người thiệt mạng và khoảng 2 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cuộc chiến tranh giành những viên kim cương máu trong cuộc nội chiến nói trên chính là tạo cảm hứng cho bộ phim phiêu lưu hành động bom tấn Hollywood Kim cương máu, sản xuất năm 2006 có có sự tham gia của tài tử Leonardo DiCaprio.

Tình cảnh nghèo đói của người dân trong phim cũng không khác ngoài thực tế là mấy. Tại Sierra Leone, tuổi thọ trung bình của nam giới chỉ là 39 tuổi còn với nữ giới, con số này là 42 tuổi. Không được tiếp cận nước uống an toàn, điều kiện vệ sinh không phù hợp và không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm là những nguyên nhân chủ yếu trong các nguyên nhân dẫn tới các ca tử vong sớm ở nước này. 

 Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới

Ở trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Theo thống kê, 34,15 trẻ dưới 5 tuổi ở Sierra Leone thuộc diện suy dinh dưỡng. Đây cũng là một trong những nước có tình trạng bất bình đẳng thuộc hàng nhức nhối trên thế giới. Chỉ số bất bình đẳng giới của nước này là 0,662, xếp thứ 137/146 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng năm 2011.

Sự bất bình đẳng tồn tại ở mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân Sierra Leone, bao gồm từ sức khỏe sinh sản, hoạt động kinh tế tới tham chính. Thống kê cho thấy chỉ có 9,5% phụ nữ trưởng thành ở Sierra Leone được theo học đến cấp 2 trở lên trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 20%.

Tình trạng nghèo nàn của Sierra Leone càng trở nên trầm trọng hơn khi theo cá số liệu thống kê, khoảng 70% người trẻ ở nước này không có việc làm hoặc thiếu việc làm trong khi người trẻ từ 15 đến 35 tuổi chiếm đến 1/3 dân số Sierra Leone.

Một thống kê được công bố năm 2012 cho biết trong năm đó, ở Sierra Leone có đến 800.000 người trẻ phải chật vật tìm kiếm việc làm trong vô vọng. Ngoài lý do nội chiến, tình trạng này còn xuất phát từ các nguyên nhân như tình trạng mù chữ, không được tiếp cận giáo dục chính quy… Theo một số ước tính, khoảng 60% dân số Sierra Leone hiện đang sống dưới mức đói nghèo. 

Nằm trong nhóm những nước nghèo nhất thế giới, Sierra Leone xếp thứ 180/187 nước về Chỉ số phát triển con người. Trong thời kỳ nội chiến, 1.270 trường tiểu học ở nước này đã bị phá hủy. Kết quả là, năm 2001, 67% trẻ em ở tuổi đến trường ở nước này không được đi học.

Kể từ đó, giới chức Sierra Leone đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình nhưng kết quả đạt được đến nay vẫn không mấy khả quan. Theo một số ước tính, 2/3 dân số trưởng thành của Sierra Leone mù chữ. Vòng luẩn quẩn nghèo đói – thất học – mù chữ ở nước này vì vậy cứ kéo dài mãi chưa có hồi kết. Hiện nay, sự phát triển của nước này vẫn phụ thuộc khá nhiều vào viện trợ nước ngoài.

Đọc thêm