Vượt biên trốn tù sau 30 năm vẫn bị bắt

Phát hiện Đặng Thanh Điệp đang có mặt trong khách sạn, các trinh sát đã ập vào và đọc lệnh bắt đối với Điệp. Khi thấy các trinh sát ập vào và nghe đọc lệnh bắt đối với mình, Điệp rụng rời tay chân vì hắn cũng không thể ngờ rằng, 30 năm trốn sang nước ngoài hắn vẫn không thể thoát án tù...

Bị tuyên phạt 20 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản”, Đặng Thanh Điệp (SN 1950, quê huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) vào trại giam được 18 tháng thì tổ chức vượt ngục, rồi cùng vợ con vượt biên ra nước ngoài sinh sống.

Sau 30 trốn lệnh truy nã, Điệp tưởng rằng vụ án đã “chìm xuồng”, nên ung dung trở về nước. Khi Điệp đang hí hởn trong một khách sạn ở Trà Vinh, các trinh sát Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Trà Vinh ập vào bắt giữ, trong sự ngỡ ngàng của tên tội phạm. 

Đối tượng Đặng Thanh Điệp.
Đối tượng Đặng Thanh Điệp.

Trốn trại, vượt biên để thoát tội

Theo hồ sơ vụ án, vào năm 1976, Điệp được huyện Cầu Ngang, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh) giao giữ chức vụ kế toán của Phòng lao động huyện Cầu Ngang. Trong thời gian đảm nhận vị trí kế toán, Điệp phát hiện sự lỏng lẻo của lãnh đạo cơ quan, trong việc quản lý các hoá đơn, chứng từ, nên Điệp nảy sinh ý định lập giả hoá đơn để trục lợi.

Từ tháng 8 năm 1976 đến tháng 4 năm 1978, Đặng Thanh Điệp lợi dụng quyền hạn và chức vụ được giao đã lập khống nhiều hóa đơn, chứng từ… để biển thủ công quỹ, chi xài cho mục đích cá nhân.

Trong một lần Phòng lao động huyện Cầu Ngang thanh kiểm tra, sổ sách chứng từ, những việc làm sai trái để trục lợi của Đặng Thanh Điệp bị bại lộ.Sau đó, Điệp bị khởi tố bắt giam, truy tố và đưa ra xét xử. Với tội danh “Tham ô tài sản”, Đặng Thanh Điệp bị Tòa án nhân dân tỉnh Cửu Long (cũ) tuyên phạt mức án 20 năm tù và chấp hành án tại trại giam Bến Giá (V26 – Bộ công an).

Trong thời gian chấp hành án, mặc dù đã được các cán bộ giám thị trại giam giáo dục cảm hóa, tạo điều kiện cho Đặng Thanh Điệp lao động cải tạo tốt để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm có cơ hội hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Nhưng, với bản chất ương ngạnh, cứng đầu… trong trại giam Điệp luôn nung nấu ý định bỏ trốn. Sau nhiều đêm trằn trọc tìm kế, trong một giờ lao động, lợi dụng sự lơ là mất cảnh giác của kíp trực, Điệp đã tẩu thoát. Khi trốn trại ra được bên ngoài, Điệp tìm cách móc nối với các thành phần bất hảo tìm cách vượt biên. Theo nguồn tin trinh sát, lúc đó Điệp có người thân đang định cư bên Úc nên rất có thể hắn đã dẫn vợ là Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng con cái vượt biên qua Úc để trốn thi hành án.

Sau khi điệp trốn khỏi trại giam, ngày 15/8/1995, trại giam Bến Giá đã ra lệnh truy nã số 27 đối với Đặng Thanh Điệp (ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) về tội trốn trại giam. Thời điểm đó, sau khi lệnh truy nã phát đi, những thông tin liên quan đến Điệp rất hạn chế. Mặc dù các trinh sát “tầm nã” tội phạm của tỉnh Cửu Long ngày đêm truy tìm tung tích của tên tội phạm, nhưng vẫn không thể lần ra được manh mối của hắn. Sau khi tỉnh Cửu Long được chia tách thành Vĩnh Long và Trà Vinh, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Trà Vinh vẫn tiếp tục thi hành lệnh truy nã đối với Đặng Thanh Điệp.

Ngày 16/8/1995,  Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Trà Vinh đã đề xuất Ban giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh xác lập chuyên án, có kế hoạch truy bắt Đặng Thanh Điệp, quyết không để tên tội phạm nguy hiểm ngoài vòng pháp luật.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài những thông tin các trinh sát thu thập được về Điệp rất hạn chế. Điệp được đánh giá là tên tội phạm có hành tung rất bí ẩn và để bắt được tên tội phạm này rất khó khăn. 

Đến ngày 11/8/2004, Cục cảnh sát hình sự (C14), nay là Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45-Bộ Công an) tiếp tục phát lệnh truy nã đối với Đặng Thanh Điệp. Các thông tin liên quan đến Điệp, được các trinh sát truy nã nghiên cứu cẩn trọng, lần giở từng trang hồ sơ liên quan đến đối tượng để không bỏ sót bất cứ manh mối nào.

Nhiều lần ngược xuôi vất vả, theo nguồn tin trinh sát báo về, Điệp cùng vợ con đang hành nghề may mặc bên Úc. Còn ở Việt Nam, Điệp có ba người thân. Trong thời gian trốn lệnh truy nã sang Úc, Điệp có liên lạc về với gia đình. Thông tin trên được các trinh sát sàng lọc, ghi chép cất cẩn trọng và nhận định trong thời gian tới có khả Điệp sẽ về Việt Nam để thăm người thân.

30 năm trốn vẫn không thoát

Trong thời gian cùng vợ con trốn sang Úc, Điệp luôn nung nấu ý định chờ thời cơ thích hợp sẽ quay về Việt Nam thăm người thân. Sau 30 năm trốn lệnh truy nã, Điệp tưởng vụ án đã trôi vào quên lãng. Nhưng điều tên tội phạm không ngờ, những việc làm của mình gây ra, các trinh sát truy nã vẫn ngày đêm truy lùng hắn về trả án.

Đầu năm 2012, Điệp bí mật đáp chuyến bay từ Úc trở về Việt Nam.

Trong thời gian trốn qua Úc, Điệp thường xuyên liên lạc với một số bạn bè ở Trà Vinh để nắm bắt tình hình. Khi các thông tin từ Việt Nam báo sang Úc là vụ án chắc chắn “chìm xuồng” nên Điệp quyết định quay về. Nhưng Điệp đã lầm, những hành vi,  tội lỗi do Điệp gây ra vẫn còn lưu trong hồ sơ vẫn vụ án, lệnh truy nã vẫn phát đi và đặc biệt cơ quan điều tra, những người thực thi pháp luật vẫn mong muốn bắt Điệp về trả án.

Khi về đến Việt Nam, Điệp chưa vội về ngay nhà mẹ ruột ở huyện Cầu Ngang, mà lưu lại ở một khách sạn tại TP. Trà Vinh để “dò xét” tình hình. Sau khi thuê phòng, hắn không quên liên lạc với gia đình để “cập nhật” tình hình, nếu an toàn, hắn mới xuất hiện.

Khi Điệp về đến Trà Vinh, hành tung của hắn đều nằm trong "tầm ngắm" của các trinh sát Phòng truy nã tội phạm.  Lúc này, kế hoạch thực hiện lệnh bắt Đặng Thanh Điệp đã được các trinh sát Phòng truy nã tội phạm triển khai thực hiện ngay sau đó. Trưa 5/1/2012, phát hiện Đặng Thanh Điệp đang có mặt trong khách sạn, các trinh sát đã ập vào và đọc lệnh bắt đối với Điệp.

Khi thấy các trinh sát ập vào và nghe đọc lệnh bắt đối với mình, Điệp rụng rời tay chân vì hắn cũng không thể ngờ rằng, 30 năm trốn sang nước ngoài hắn vẫn không thể thoát án tù...

Ngay sau khi Điệp sa lưới, Phòng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Trà Vinh, bàn giao đối tượng Đặng Thanh Điệp cho Trại giam kênh 5 (V26 – Bộ Công an) xử lý theo thẩm quyền, kết thúc chuyên án 30 năm truy nã đối tượng vượt biên ra nước ngoài trốn lệnh truy nã.

 Minh Quân

Đọc thêm