[links()]Biết “siêu trộm” Nguyễn Mạnh Đồng có biệt tài mở khóa nên Sơn có ý định nhờ “người đi xuyên cửa” này giúp sức cho mình trốn trại. Sau khi bàn thảo, Sơn và hai đàn em Hùng, Hiếu quyết định sẽ lên phương án chi tiết về kế hoạch vượt ngục và chỉ cho Đồng biết bí mật này vào ngày “khởi sự”.
Theo dõi ngược
Ngồi trên gác xép của buồng giam B8, hàng ngày Hùng nhìn qua ô thoáng để theo dõi lịch di biến động của lực lượng an ninh canh gác. Theo nhận định của phạm nhân này, cách trốn thoát lý tưởng là hướng giữa chòi canh số 3 và số 4.
|
Các bị cáo tại tòa |
Không những thế, nhóm phạm nhân còn thức trắng nhiều đêm để căn tính thời gian đổi gác của cán bộ quản giáo. Theo đó, mỗi ca gác thường kéo dài 2 tiếng và thời gian đổi gác chỉ vẻn vẹn có 5 phút. Vì thế, kế hoạch hành động phải làm sao để chỉ trong 5 phút phải mở được khóa, tiếp cận bờ tường rào, có dây leo lên và có vật cách điện qua hai dây điện trần vắt ngang chỗ thanh sắt hình chữ V...
Sau một thời gian tỉ mỉ thảo luận và thống nhất “kịch bản”, ngày 18/8/2010, Sơn “trô” hạ lệnh cho hai đàn em: “Đêm nay trốn trại! Tao phải về thăm mẹ. Mẹ tao đang ốm, chuẩn bị đi mổ”.
Trốn khỏi trại giam trong vòng 15 phút
21h cùng ngày, khi có kẻng báo giờ đi ngủ, Sơn bảo các phạm nhân ở buồng giam B8 đi vào và chỉ cài chốt cửa, móc khóa vào then, không đóng khóa rồi quay vào gọi hai chiến hữu của mình là Hùng và Hiếu lên gác xép.
Ngay sau đó, Sơn cho gọi đàn em Nguyễn Mạnh Đồng lên gác xép và đặt vấn đề: “Mày có thể mở được khóa cửa không?”. Đồng thưa: “Vâng, em có biết mở”. Sơn gật gù và bảo Đồng: “Thôi mày xuống dưới ngủ đi, có gì anh bảo sau”.
Sau khi thống nhất phương án hành động lần cuối, Sơn, Hiếu, Hùng quyết định khoảng gần 1h ngày 19/8, khi cán bộ đổi gác sẽ cùng nhau vượt ngục. Để có vật cách điện qua hai sợi dây điện trần ra ngoài, Sơn quyết định sẽ trưng dụng chiếc chăn màu vàng chanh của mình.
Còn đoạn dây để trèo tường, Sơn đưa chiếc màn tuyn màu hồng của mình cho hai phạm nhân khác trong buồng B8 là Trần Văn Thành và Vũ Văn Nam. Sơn yêu cầu họ xé ra, tết thành dây, nói dối là làm dây phơi quần áo.
Cả hai tưởng thật, dùng lưỡi dao lam có từ trước cắt chiếc màn tuyn thành nhiều mảnh rồi tết thành một đoạn dây dài khoảng 2m. Tết xong, Nam và Thành được Sơn cho đi ngủ còn hắn và hai đàn em lên gác xép tiếp tục theo dõi hoạt động của cán bộ vũ trang tại vọng gác số 3 và số 4.
0h45 ngày 19/8, Sơn, Hiếu và Hùng xuống tầng một của buồng giam, đem theo chăn dạ, dây màn đã chuẩn bị trước và đánh thức Đồng dậy, đưa cho phạm nhân này chiếc chìa khóa mà trước đó Sơn nhặt được ở “sân chim”. Dù đã lờ mờ cảm nhận được ý đồ của các “đại ca” nhưng do sợ uy “anh Sơn” nên Đồng răm rắp làm theo.
Chỉ sau 7 phút, “người đi xuyên cửa” này đã dùng chiếc chìa khóa mở tung hai chiếc khóa Việt - Tiệp trấn giữ hai cánh cửa sắt ở lối đi chung và cổng khu nhà giam B (khu vực các buồng B6-B7-B8). Sau đó, cả bọn thoát ra theo lối đi chung bên trong các buồng giam B6-B7-B8.
Lúc này Đồng mới tin là “các đại ca” đang vượt ngục thật nên khẩn khoản xin: “Cho em trốn cùng với” nhưng Sơn đã từ chối vì sợ đi nhiều sẽ lộ. Cả bọn đi ra ngoài, Sơn quay lại dặn Đồng: “Mày cầm lấy chìa khóa, nếu bọn anh không trốn ra được, quay lại thì mày mở cửa cho bọn anh vào, còn nếu đến sáng không thấy bọn anh quay lại thì mày vứt chiếc chìa này đi”. Đồng y lời và quay lại khóa cửa như cũ rồi đi ngủ. Sợ bị phát hiện, Đồng vứt chìa khóa vào bồn vệ sinh trong buồng giam và dội nước nhằm phi tang vật chứng.
Sau khi bỏ lại “người đi xuyên cửa”, Sơn, Hiếu và Hùng lập tức trèo qua cửa sắt lên tường từ lối đi chung ra ngoài, đi thẳng ra khu vực đầu đốc nhà Bệnh xá Trại giam thì dừng lại nghe ngóng động tĩnh. 10 phút sau (khoảng 0h57 ngày 19/8), thấy cán bộ gác ở vọng số 3 và số 4 đi ra phía cổng chính của trại tạm giam, ba phạm nhân này đã nhanh nhẹn trèo qua hàng rào sắt ra lối đi của lực lượng bảo vệ vũ trang trong trại (giữa hàng rào sắt và tường rào bên ngoài).
Hiếu đứng lên vai Hùng, Sơn đứng lên vai Hiếu và dùng dây màn tết buộc vào thanh sắt chữ V ở cọc hàng rào dây thép gai phía trên tường bao loan. Hùng đưa chăn cho Hiếu, Hiếu đưa cho Sơn để “đàn anh” vắt chăn trùm lên hàng rào dây thép gai và dây điện trần. Ngay lập tức, hai đoạn dây điện bị chập và cháy đứt. Trong 15 phút, lần lượt cả ba tên vượt tường ra ngoài.
Sơn và đồng bọn chạy thục mạng trong đêm, vẫy một chiếc taxi về Hà Nội... Sau khi trốn trại, cả ba dùng tiền của Hiếu (hơn 1 triệu đồng) để chi trả các khoản trên đường bỏ trốn. Đến khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội), Sơn gọi điện cho mẹ thì biết có lực lượng công an ở đó nên đã không về Hưng Yên thăm mẹ nữa.
Trạm dừng chân trong đêm của ba tù nhân vượt ngục là một nhà nghỉ tại phố Thái Hà (Hà Nội). Tại đây, Sơn gọi điện cho bạn gái của mình (tên là Hương, quê Cao Bằng) đến tiếp ứng tiền bạc và “tâm sự”... Sau khi rong chơi cả ngày 19/8, Sơn dẫn hai đàn em quay về trại... đầu thú!
Một ngày ra ngoài, vài năm ’bóc lịch’
Ngày 19/11, nhiều phạm nhân đã được phép tham dự phiên tòa xét xử lưu động Sơn và đồng bọn tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và tính chất vi phạm của các phạm nhân tham gia vào vụ vượt ngục, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Sơn 5 năm tù giam về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”, tổng cộng hình phạt chưa hoàn thành ở mức án trước là 7 năm 6 tháng tù.
Chung tội danh này, Hiếu lĩnh thêm 4 năm tù, tổng cộng là 9 năm 6 tháng tù; Hùng thêm 4 năm tù, tổng cộng 7 năm 6 tháng tù. Với hành vi giúp sức cho ba phạm nhân trên, “người đi xuyên cửa” Nguyễn Mạnh Đồng cũng phải nhận thêm mức án 3 năm tù giam, cộng với án cũ là 5 năm 10 tháng tù.
Kết thúc phiên tòa, Sơn cùng cả bọn tươi cười nhìn các phạm nhân đang ngồi phía dưới như chưa có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, Sơn “trô” còn vẫy tay: “Chào các chiến hữu, anh đi đây” khiến những người chứng kiến lắc đầu ngao ngán.
Bên ngoài cổng trại tạm giam, gia đình bốn bị cáo thấp thỏm chờ tin con do không được phép vào phòng xét xử. Mới hồi phục sau ca mổ, mẹ của Sơn khóc ngất khi nghe tin con mình phải bóc thêm năm cuốn lịch. Bố mẹ Hùng rơm rớm nước mắt, thẫn thờ nhìn theo con bị dẫn giải về buồng giam.
Trong khi đó, mẹ Hiếu ngồi lặng bên cổng, không đứng dậy nổi. Mắt đỏ hoe, sau khi đã lạc cả giọng vì khóc thương anh, em gái Đồng cố hỏi một cán bộ: “Bao giờ em được vào thăm anh ấy?”...
Kỳ Anh