Thu nhập người dân gần 40 triệu đồng/1 năm
Xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nằm ở vị trí thuận lợi, cách Trung tâm Thành phố Đà Nẵng 40 Km, cách thành phố Tam Kỳ 50 Km. Địa thế, địa hình thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Hạ tầng giao thông đường bộ, đường sông hoàn thiện, kết nối Quốc Lộ 1A dễ dàng nên việc giao thương thuận lợi. Hội tụ tất cả những điều kiện “thiên thời, địa lợi” vào năm 2003, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chủ trương thành lập cụm công nghiệp Tây An, nằm trên địa bàn xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.
Chủ trương đầu tư Cụm công nghiệp Tây An đã đánh thức tiềm năng của một vùng quê trù phú. Diện mạo một xã trên hành trình đến đích là xã công nghiệp đang dần hiện rõ. Cơ cấu kinh tế từ một xã thuần nông đã chuyển dịch sang ngành thương mại, dịch vụ. Từ đó đời sống người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Năm 2019, thu nhập của người dân nơi đây là gần 40 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi đi thăm cụm Công nghiệp Tây An, ông Nguyễn Như Tiền, Bí Thư đảng ủy xã Duy Trung rất đỗi tự hào. “Cụm công nghiệp Tây An với diện tích trên 100 ha đã được các nhà đầu tư phủ kín. Hiện có 22 doanh nghiệp hoạt động ở đây. Trong đó có 3 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Thái Lan,… Cụm công nghiệp đã thu hút hơn 8.000 lao động đến làm việc, trong đó có hơn 2.000 lao động địa phương. Từ khi có cụm công nghiệp thu nhập người dân ổn định, đời sống được nâng cao”.
Cụm công nghiệp Tây An, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. |
Chính quyền giúp người lao động “an cư lập nghiệp”
Việc giữ chân người lao động ngoài địa phương cũng như thu hút con em địa phương đang làm ăn xa về quê làm việc cũng được lãnh đạo xã chú trọng. Theo Bí Thư đảng ủy xã Duy Trung, chủ trương của địa phương là luôn tạo mọi điều kiện để người lao động tại cụm công nghiệp “an cư, lạc nghiệp”, nâng cao đời sống, góp phần đóng góp cho quê hương.
Công việc ổn định, thu nhập cao, được chính quyền tạo mọi điều kiện để phát triển đời sống nên nhiều công nhân, kỹ sư đến làm việc tại xã Duy Trung đều muốn lập nghiệp và gắn bó lâu dài với vùng đất này. Đối với những người dân Duy Trung đi làm ăn xa ở các thành phố lớn như: TP.HCM, Đà Nẵng,.. cũng bắt đầu hồi hương, tạo dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê nhà.
Vợ chồng anh Đỗ Việt, ở xã Duy Trung sau nhiều năm làm việc ở TP.HCM, cuộc sống bấp bênh do chi phí sinh hoạt cao nên đã quyết định về quê. Năm 2009, anh Việt xin vào làm công nhân ở Công ty Cổ phần Đại Dương Kính, cụm công nghiệp Tây An và gắn bó hơn 10 năm nay. “Thu nhập ổn định, có của ăn của để nên vợ chồng cũng đã xây được nhà, con cái đi học gần nhà. Chi phí sinh hoạt ở quê cũng thấp, không chật vật như ở Sài Gòn. Lại được sống ở quê hương nữa, thế là vui rồi!” anh Việt chia sẻ.
Anh Trần Xuân Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Dương Kính dù không phải là người dân địa phương nhưng sau nhiều năm gắn bó làm việc ở đây đã quyết định, nhập khẩu và xây dựng nhà cửa trên mảnh đất Duy Trung. Khi anh Dung đến liên hệ chính quyền để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thì cán bộ xã đã hỗ trợ và hướng dẫn tận tình. Anh Dung chia sẻ: “Do nặng nợ và có duyên với nơi đây nên tôi quyết định gắn bó và làm việc lâu dài ở nơi này”.
Xã Duy Trung được công nhận là xã nông thôn mới. |
Năm 2019, xã Duy Trung vừa được công nhận là xã nông thôn mới. Giờ đây, bộ mặt làng quê đã thay đổi từng ngày. Đường giao thông liên xã thảm nhựa rộng thênh thang. Đường liên thôn, liên xóm, được bê tông hóa, rợp bóng cây xanh. Đêm về, điện đường rực sáng các ngõ xóm, đường quê. Nhìn những khung cảnh này, người dân nơi rất đỗi tự hào và tin tưởng vùng đất này chuyển mình trở thành “phố thị” trong một tương lai không xa.