Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) – Bộ Công an cùng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam hôm qua ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật và hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, người chấp hành xong án phạt tù cư trú tại các địa phương. Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục VIII – cho biết:
|
Lễ ký kết, thỏa thuận hợp tác củaTổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) – Bộ Công an và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. |
- Nhận thức về chính sách, pháp luật là một trong những yếu tố hết sức quan trọng cho mỗi con người hình thành nhân cách, lối sống, đồng thời giữ gìn trật tự kỷ cương trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đối với các phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam, một nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của họ là bị hạn chế về mặt nhận thức pháp luật.
Vì thế, việc tư vấn, giáo dục để nâng cao hiểu biết pháp luật cho phạm nhân, giúp họ nhận thức rõ hơn về các hành vi trái pháp luật của mình để tích cực rèn luyện bản thân và phòng tránh tái phạm sau này là nội dung rất quan trọng của công tác giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục VIII - Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội như Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam… để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giáo dục pháp luật đối với phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù cũng như sắp mãn hạn tù để tái hòa nhập cộng đồng.
Riêng đối với Hội Luật gia Việt Nam - một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp - thời gian qua giữa hai cơ quan đã có sự phối hợp thực hiện công tác hòa nhập cộng đồng. Kế thừa tinh thần đó, lần này chúng tôi chính thức ký thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục và Hội Luật gia Việt Nam để tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ, gắn bó, thường xuyên, lâu dài, bền vững giữa hai cơ quan trong việc giáo dục pháp luật đối với phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam trên phạm vi toàn quốc.
Trên cơ sở ấy, để tạo điều kiện cũng như làm căn cứ pháp lý quan trọng cho các trại giam, trại tạm giam, Công an các tỉnh phối hợp chặt chẽ khai thác năng lực, trách nhiệm chính trị cũng như lòng nhiệt tình của các hội viên ở các cơ sở Hội Luật gia, ở Trung ương Hội Luật gia trên phạm vi toàn quốc trong việc tư vấn pháp luật cho các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù trong các cơ sở giam giữ của ngành Công an.
• Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh có nói hoạt động trên được triển khai thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố. Ông đánh giá ra sao về kết quả thí điểm thu được?
- Sau một thời gian thí điểm, có thể khẳng định là đã có nhiều địa phương triển khai làm tốt chương trình giáo dục và tư vấn pháp luật cho các phạm nhân như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, TP.HCM, Đồng Nai. Mặc dù tỷ lệ phạm nhân ra tù tái phạm tội đến nay thì chúng tôi vẫn đang tiến hành khảo sát nhưng tỷ lệ tái phạm tội sau 5 năm mãn hạn tù về chỉ chiếm khoảng 15%.
So với thời kỳ trước cũng đang giữ ở mức độ trung bình nhưng mà nếu không làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng thì con số này trong điều kiện bây giờ có nguy cơ gia tăng. Điều đó đặt ra là chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc đảm bảo các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân mãn hạn tù theo tinh thần của Nghị định 80.
• Về phía Tổng cục, đã dự kiến những hoạt động triển khai Thỏa thuận hợp tác chưa, thưa ông?
- Chúng tôi đã có định hướng triển khai cụ thể, đặc biệt là sắp tới đây sẽ hướng dẫn trên phạm vi cả nước cho các cơ sở giam giữ, sẽ bắt tay chặt chẽ với Hội Luật gia ở các cơ sở. Ngoài ra, sẽ cùng Công an các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố để cho việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác ngày càng đi vào nề nếp, thực sự có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.
Bước đầu có thể 6 tháng tới chúng tôi sẽ hội ý lại một lần để đánh giá kết quả ban đầu, rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo. Còn về lâu dài thì định kỳ hàng năm, chúng tôi sẽ tổ chức họp sơ kết và thống nhất phương hướng, kế hoạch tiếp theo.
• Những người đã từng một thời lầm lỡ thường rất mặc cảm, vậy theo ông, cần làm tốt hơn những nhiệm vụ gì để họ tái hòa nhập cộng đồng?
- Đối với những phạm nhân sau khi chấp hành hình phạt tù xong trở về với địa phương, tâm lý mặc cảm diễn ra khá phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi trước hết mỗi phạm nhân đã mãn hạn tù phải có sự tự tin, vững vàng trong cuộc sống và cố gắng tự mình hoàn thiện mình hơn, hướng thiện hơn trong việc chấp hành pháp luật trong cuộc sống thường ngày và phải tự mình tổ chức tốt cuộc sống của mình. Đây là yêu cầu đặt ra đối với chủ quan của mỗi phạm nhân.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của xã hội nói chung, của cộng đồng nói chung là phải cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi, cần thiết để họ có công ăn việc làm, để họ có môi trường sống tốt đẹp, hướng thiện trong thực tế và tái hòa nhập một cách ổn định, đồng thời cũng xóa bỏ những tư tưởng ích kỷ, kỳ thị, hẹp hòi đối với số người đã chấp hành xong hình phạt tù khi trở về địa phương, làm sao bảo đảm cho những người thi hành án phạt tù xong về địa phương có một môi trường sống tốt đẹp, thân thiện để họ có ý chí, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống đời thường.
• Giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, rõ ràng không thể chỉ có trách nhiệm của một cơ quan, một đơn vị mà cần sự vào cuộc của cả xã hội. Vậy theo ông cần có những hoạt động cộng đồng nào nhằm huy động được sự tham gia có trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội?
- Như chúng ta đã biết, Chính phủ đã có Nghị định 80 quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế xã hội cũng như các thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Theo đó, chúng ta phải huy động cho được lực lượng của toàn xã hội tham gia vào công tác này để động viên mọi người, mọi khu vực, mọi thôn bản, mọi đường phố có trách nhiệm với người đã chấp hành xong hình phạt tù, chung tay với nhau để hướng dẫn họ, dành một tình cảm cần thiết với họ, giúp họ có thêm nghị lực, có thêm quyết tâm để rèn luyện, phấn đấu trở thành người lương thiện sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù.
Không chỉ riêng một cơ quan, tổ chức nào mà cần rất nhiều, rất nhiều các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức kinh tế xã hội, các tổ chức đoàn thể, cũng như các cấp chính quyền của các địa phương đều phải chăm lo đến công tác này theo tinh thần chỉ đạo của Nghị định 80 của Chính phủ.
• Nghị định 80 là một trong những văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực thi Luật Thi hành án hình sự, xem ra được triển khai khá thuận lợi. Còn các văn bản hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự khác có gặp vướng mắc gì không, thưa ông?
- Nói chung về thi hành Luật Thi hành án hình sự cho đến bây giờ được triển khai trên thực tế theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động thi hành án đối với các đối tượng chịu hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, các đối tượng thi hành các án phạt ngoài xã hội đều đã được thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu lực, có hiệu quả và đảm bảo cho việc thực thi đạt được các mục đích, yêu cầu đặt ra, đặc biệt là yêu cầu giáo dục, cải tạo để các đối tượng thi hành án sớm trở thành người hoàn lương, có ích cho gia đình, cho xã hội.
• Luật Thi hành án hình sự cũng được đánh giá cao về các biện pháp bảo đảm quyền con người cho phạm nhân. Hiện nay, các biện pháp ấy đã được bảo đảm thi hành được chưa?
- Có rất nhiều việc phải làm để bảo đảm quyền con người cho các phạm nhân trong các cơ sở giam giữ mà chúng tôi đang quản lý, làm sao đảm bảo ngày càng tốt hơn các điều kiện để họ được sống, được lao động và được học tập theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn như, cải thiện các điều kiện sống trong các cơ sở giam giữ, tăng cường các hoạt động giáo dục, dạy người, dạy chữ, dạy nghề cho các phạm nhân để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng sau này và tăng cường trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ đối với việc giáo dục các phạm nhân ở trong các trại giam.
• Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư (thực hiện)