Xã hội hóa công tác cai nghiện cần được quan tâm và nhân rộng

Trung tâm có 20 buồng điều trị được xây dựng, trang bị khép kín, với dung lượng cai nghiện đồng thời 40 người, trong đó có 4 buồng điều trị cắt cơn, 1 buồng cấp cứu và 1 buồng xét nghiệm với đầy đủ thiết bị theo quy định. Tham gia điều trị trực tiếp có 3 bác sỹ và đội ngũ y tế, điều dưỡng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm điều trị cai nghiện.

Được sự đồng ý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và của tỉnh đầu năm 2010, Cty cổ phần công nghệ cao Hồng Phúc chính thức đưa Trung tâm điều trị cai nghiện ma túy Hồng Phúc vào hoạt động. Tại đây, lần đầu tiên người nghiện được tiếp cận với điều kiện đầy đủ, hiện đại trong quá trình cai nghiện. Trung tâm có 20 buồng điều trị được xây dựng, trang bị khép kín, với dung lượng cai nghiện đồng thời 40 người, trong đó có 4 buồng điều trị cắt cơn, 1 buồng cấp cứu và 1 buồng xét nghiệm với đầy đủ thiết bị theo quy định. Tham gia điều trị trực tiếp có 3 bác sỹ và đội ngũ y tế, điều dưỡng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm điều trị cai nghiện. Trong đợt điều trị kéo dài từ 10 đến 15 ngày, cùng với các liệu pháp, đơn thuốc tiên tiến, hiện đại nhất về cai nghiện, bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe, tinh thần đầy đủ với hệ thống hỗ trợ điều trị gồm phòng tắm xông hơi, phòng châm cứu mát-xa, phòng tập thể hình, phòng tập thiền tâm năng dưỡng sinh, khu vui chơi giải trí (bàn bi-a, bóng bàn, bi-lắc, sàn tập vận động trị liệu) và hồ câu cá thư giãn. Kết quả điều trị của trung tâm được đánh giá là tương ứng với điều kiện trang thiết bị, phương pháp điều trị. Trong 9 tháng hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận tổng số 227 bệnh nhân, các bệnh nhân đều đã cắt cơn thành công. Khảo sát của các đơn vị chức năng, phối hợp với trung tâm sau khi điều trị cắt cơn cho thấy, có tới 43,18% chưa tái nghiện. Đây là chỉ số cao về kết quả chống tái nghiện sau cai so với các trung tâm cai nghiện cũng như chỉ số trung bình của toàn quốc.

Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau khi cắt cơn nghiện tại Trung tâm chữa bệnh cai nghiện Hồng Phúc.
Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau khi cắt cơn nghiện tại Trung tâm chữa bệnh cai nghiện Hồng Phúc.

Đặt trong bối cảnh tệ nạn ma túy đang ngày càng diễn biến phức tạp, cộng với thực tế quy mô, điều kiện của các trung tâm cai nghiện tỉnh ta còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi thì việc nhân rộng mô hình như Trung tâm cai nghiện Hồng Phúc là cần thiết. Đã đến lúc công tác cai nghiện phải được xã hội hoá để tăng thêm một giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống ma tuý. Tuy nhiên, để xã hội hoá công tác cai nghiện thành công, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích tham gia cũng như hoạt động, phát triển cho các mô hình này. Lĩnh vực cai nghiện là vấn đề xã hội nóng, phức tạp, để các tổ chức, cá nhân tham gia, cần có sự ưu đãi về cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, sự quan tâm này cần mang tính dài hơi để doanh nghiệp, cá nhân thấy rõ được lợi ích xã hội đồng thời với lợi ích bản thân khi tham gia đầu tư. Theo ông Vũ Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm thì khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực cai nghiện, bản thân doanh nghiệp đã trở thành doanh nghiệp xã hội, phải được ưu đãi hơn doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần nhưng hiện nay, trung tâm muốn xây dựng cơ sở dạy nghề để người cai nghiện sau cai có nghề, yên tâm hoà nhập cộng đồng, nâng cao hiệu quả chống tái nghiện nhưng không được ưu đãi để tiếp cận ngân hàng vay vốn chứ chưa cần nói đến sự ưu đãi về lãi suất hay thời hạn vay. Chính vì vậy, dự án dạy nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho người cai nghiện của trung tâm hiện nay đang chậm, khó triển khai. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động liên quan đến hiệu quả cai nghiện, nâng cao năng lực như đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, thử nghiệm thuốc và liệu pháp, cập nhật thông tin, giao lưu trao đổi kinh nghiệm về điều trị ma tuý, tập huấn nâng cao trình độ ma tuý cũng chưa được quan tâm thật sự... Đây là những “rào cản” trong thực tế thực hiện xã hội hoá công tác cai nghiện, phòng chống ma tuý hiện nay./.

Bài và ảhh: Hoàng Long

Đọc thêm