Xã hội hóa công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản là do xem thường các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản là do xem thường các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Vì vậy, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ, trong đó xã hội hóa hoạt động này là giải pháp hữu hiệu làm giảm tỷ lệ tai nạn, bảo vệ an toàn tính mạng người lao động….

Tai nạn gia tăng do kém nhận thức

Theo thống kê, đến năm 2010, thành phố có khoảng 17.000 doanh nghiệp với hàng trăm nghìn lao động, cùng với sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Từ năm 2005 đến nay, Hải Phòng để xảy ra 67 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 70 người chết và là một trong 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người. Bên cạnh đó, Hải Phòng phải đối mặt với vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm về an toàn, sức khỏe và ô nhiễm môi trường tại một số ngành nghề sản xuất kinh doanh mang tính đặc thù như sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa, đóng mới tàu, đúc đồng…Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại, về người và tài sản là do xem thường các quy định về ATVSLĐ. Vì vậy, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ, trong đó xã hội hóa hoạt động này là giải pháp hữu hiệu làm giảm tỷ lệ tai nạn lao động, bảo vệ an toàn tính mạng cho người lao động….

Công ty cổ phần Ắc quy Tia sáng nhiều năm liền làm tốt công tác an toàn lao động. Trong ảnh: Công nhân trong ca sản xuất
Công ty cổ phần Ắc quy Tia sáng nhiều năm liền làm tốt công tác an toàn lao động. Trong ảnh: Công nhân trong ca sản xuất

Theo ông Vũ Như Văn, quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, muốn thực hiện tốt xã hội hoá công tác huấn luyện ATVSLĐ cần tiến hành đồng bộ chức năng quản lý nhà nước với việc phát huy vai trò, sự đóng góp của các tầng lớp xã hội, nhân dân vào công tác ATVSLĐ nói chung và tuyên truyền nói riêng. Trên cơ sở đó có những quy định, cơ chế cụ thể cho việc thực hiện xã hội hoá, trước hết là sự phân công, phân cấp giao trách nhiệm, quyền hạn cho các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan trong công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua việc huy động các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia làm dấy lên phong trào học tập, tìm hiểu các quy định, kiến thức về ATVSLĐ. Mặt khác cơ quan chức năng cần chú trọng biên soạn giáo trình, bài giảng cho các đối tượng khác nhau, áp dụng các phương pháp và phương tiện hiệu quả để nâng cao chất lượng các lớp huấn luyện về ATVSLĐ, nâng tầm môn học về ATVSLĐ tại các trường nghề.

Nhiều doanh nghiệp chưa được huấn luyện ATVSLĐ

Ở Hải Phòng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 90% tổng số các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, trong đó đại bộ phận là các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước với những cơ sở kinh doanh nhỏ, riêng lẻ, không có cấp trên trực tiếp. Vì vậy, việc tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp này có ý nghĩa lớn đối với việc hạn chế số vụ tai nạn lao động xảy ra hằng năm. 

Tính đến tháng 6-2010, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức phổ biến pháp luật lao động, huấn luyện ATVSLĐ cho 15 doanh nghiệp với tổng số 750 người.

    Năm 2009, Sở xây dựng 2 cộng đồng an toàn và phòng, chống tai nạn thương tích, tổ chức 5 lớp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cộng đồng an toàn, 2 lớp quản lý vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cho 50 doanh nghiệp và 14 quận, huyện.

Vấn đề đặt ra là để làm tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ cho 17 nghìn doanh nghiệp và hàng trăm nghìn lao động cần huy động đông đảo các tổ chức, cá nhân có chuyên môn về ATVSLĐ tham gia. Do lực lượng này ở thành phố quá mỏng nên số người sử dụng lao động và người lao động được huấn luyện ATVSLĐ hàng năm chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ của các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ phòng, chống cháy nổ chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như ngành đóng tàu, sản xuất xi măng mà chưa quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp tư nhân có yếu tố gây mất an toàn lao động. Mặt khác, do lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng nên có nhiều vi phạm quy định về ATVSLĐ chưa được phát hiện kịp thời, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, làng nghề. Do vậy, cần có cơ chế, tạo điều kiện để xã hội hoá công tác huấn luyện ATVSLĐ, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ làm nhiệm vụ huấn luyện ATVSLĐ, đáp ứng yêu cầu huấn luyện ATVSLĐ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lực lượng đông đảo nhất đang cần được huấn luyện ATVSLĐ ở Hải Phòng hiện nay./.

Thanh Thủy

Đọc thêm