|
Thi đấu thể thao giữa các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Ảnh: Xuân Thu |
Xã Nghĩa An (Nam Trực) có chiều dài trên 10 km dọc đê sông Đào với quy mô 24 xóm, 10 nghìn nhân khẩu sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của huyện Nam Trực về chương trình phát triển TDTT cơ sở, xã đẩy mạnh công tác xã hội hoá TDTT, phát triển phong trào tập luyện, thi đấu thể thao, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Từ công tác xã hội hóa, đến nay, cơ sở vật chất dành cho các hoạt động TDTT trên địa bàn xã từng bước được xây dựng với một sân vận động hơn 3000 m2, 7 nhà văn hóa có sân chơi thể thao. Cả 6 thôn gồm 24 xóm trong xã đều quy hoạch đất cho hoạt động TDTT với tổng diện tích 13000 m2. Các mô hình tập luyện thể thao tập trung được người dân tổ chức thành lập ngày càng nhiều, đa dạng cả về quy mô lẫn hình thức như: CLB thể dục dưỡng sinh ở thôn Bái Hạ; cờ tướng, cầu lông, bóng đá thiếu niên và nhi đồng, bóng bàn... Hầu hết các hoạt động thể thao trên địa bàn đã từng bước chuyển từ tự phát sang tự giác và ngày càng thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Cùng với việc phát triển các môn thể thao mới, những năm qua các xóm của xã cũng thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong việc khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian truyền thống tại 7 lễ hội chùa, đền trên địa bàn. Các trò chơi dân gian như kéo co, thi nấu xôi, leo cầu ngô, cờ tướng, đánh cờ người... diễn ra tại các lễ hội chùa đền Bái Hạ, đền Cả An Lá, đình phủ Đại An, chùa Vân Đồn... đã thực sự trở thành điểm nhấn thu hút nhân dân địa phương, con em đang làm ăn ở xa quê hương về tham dự lễ hội, vừa vui chơi rèn luyện sức khỏe.
Để phát huy hiệu quả cao nhất, Đảng uỷ, UBND xã đã phân công các đoàn thể: Hội Người cao tuổi, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các trường THCS, tiểu học... là nòng cốt trong việc tổ chức các giải thi đấu thể thao như đi xe đạp chậm, giải cờ tướng, giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng... vào các ngày kỷ niệm ngành, kỷ niệm lớn của đất nước. Bằng hình thức này, công tác xã hội hóa TDTT đã từng bước phát huy hiệu quả. Dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các xóm, mỗi khi có giải thể thao tổ chức, nhân dân đều quyên góp kinh phí để mua trang phục thi đấu, nước uống hoặc treo giải thưởng cho đội thắng cuộc. Nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã cũng tích cực ủng hộ như Cty TNHH Nghĩa Vân, Cty cổ phần gạch tuynel Nam Trực; các ông Nguyễn Đức Sinh kinh doanh xăng dầu ở xóm 7, Mai Văn Phong ở Cty xây dựng Nam Ninh... mỗi năm ủng hộ hàng triệu đồng mua quần áo, treo giải thưởng. Riêng năm 2009, xã đã huy động được từ nguồn lực xã hội hóa gần 20 triệu đồng để tổ chức đại hội TDTT xã. Đồng chí Nguyễn Văn Nhự, Phó Chủ tịch xã cho biết: Mặc dù, các giải đấu diễn ra với kinh phí không nhiều, giá trị giải thưởng chỉ mang tính động viên nhưng người dân tham gia rất nhiệt tình, từ đó đã thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao trong nhân dân. Chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe nhưng các đội tuyển thể thao của xã khi thi đấu các giải cấp huyện đều giành thứ hạng khá cao. Phong trào tập luyện TDTT của các trường học trên địa bàn xã cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Các trường đều thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất nội, ngoại khóa theo quy định. Năm 2008, đội tuyển bóng ném của trường THCS Nam An đã giành HCV tại Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa TDTT, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch vận động nhân dân tích cực đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT tại các khu dân cư, khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân./.
Thanh Ngọc