Xác định tình tiết định tội, định khung hình phạt với tội hiếp dâm, cưỡng dâm

(PLVN) - Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của Bộ luật Hình sự.
Xác định tình tiết định tội, định khung hình phạt với tội hiếp dâm, cưỡng dâm

Làm rõ các tình tiết định tội

Theo Dự thảo, tình tiết “Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự được xác định là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại đang bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn, bị ngất hay bị mê man, bất tỉnh do sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, ma túy, thuốc an thần hoặc các chất kích thích khác) hoặc bị tâm thần dẫn đến không thể chống cự được để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

“Thủ đoạn khác” quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là những thủ đoạn không phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, như lừa gạt, dụ dỗ, dọa nạt, cho nạn nhân sử dụng rượu, bia, ma túy... để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dụng khác.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng làm rõ các tình tiết định tội như “Người đang ở trong tình trạng quẫn bách”, “đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình”, “dâm ô”, “trình diễn khiêu dâm”, “trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm”…

Một số tình tiết định khung hình phạt

Dự thảo nêu rõ: “Có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 các Điều 141, 146, 147 và điểm b khoản 3 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.

Tình tiết “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 141, điểm d khoản 2 Điều 142, điểm e khoản 2 Điều 145, điểm d khoản 2 Điều 146 và điểm d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm… đối với người mà họ có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh. Người phạm tội và người bị hại trong trường hợp này phải có mối quan hệ gia đình, xã hội, theo đó người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh đối với người bị hại. Trách nhiệm này xuất phát từ quan hệ huyết thống như bố mẹ đối với con cái, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như thầy thuốc đối với bệnh nhân…

Đối với trường hợp nếu hành vi hiếp dâm không liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì không áp dụng tình tiết này. Ví dụ: Nguyễn Văn B là giáo viên trường K, một lần B cùng với một số bạn đi ăn nhậu, trên đường về gặp em Vũ Thị C là học sinh lớp 11 của trường, các bạn của B trêu ghẹo C và cùng B kéo C vào chỗ vắng hãm hiếp. Sau khi gây án, B mới biết em C là học sinh của trường.

Dự thảo cũng làm rõ tình tiết định khung hình phạt “có tính chất loạn luân”, “phạm tội 2 lần trở lên”, “nhiều người hiếp một người”, “nhiều người cưỡng dâm một người”.

Theo Dự thảo, để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và tái phạm tội, khi xét xử các vụ án xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, cùng với việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án phải áp dụng các hình phạt bổ sung (như cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định) đối với người phạm tội. 

Đọc thêm