Xác định tuổi theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo

Hôm qua (8/9), VKSNDTC tổ chức Hội thảo công bố Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT (ngày 12/7/2011) của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ LĐ,TB&XH hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên mà PLVN từng giới thiệu...

Hôm qua (8/9), VKSNDTC tổ chức Hội thảo công bố Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT (ngày 12/7/2011) của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ LĐ,TB&XH hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên mà PLVN từng giới thiệu.

Bị can, bị cáo được lợi trong việc xác định tuổi

Theo quy định tại Thông tư, việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là người CTN do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:

Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo. Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30/6 hoặc ngày 31/12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31/12 của năm đó làm ngày sinh. Nếu không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người CTN thì tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.

Nếu việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là người CTN theo nguyên tắc có lợi nhất cho các đối tượng này thì với cách xác định tuổi của người bị hại là người CTN lại theo cách tính ngược lại.

Theo đó, nếu xác định được tháng sinh cụ thể của người bị hại nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh.

Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh. Nếu xác định được năm cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh. Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người CTN thì phải tiến hành giám định để xác định độ tuổi của họ.

Thiếu vai trò của người có quyền và nghĩa vụ liên quan

Cũng trong buổi Hội thảo, đã có ý kiến bày tỏ phân vân đối với nội dung tại một số Điều luật của Thông tư liên tịch. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 11 quy định: “không xét xử lưu động vụ án do người CTN gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm”.

Ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP. HCM bày tỏ: Mục đích của bất kỳ phiên tòa xử lưu động nào cũng đều nhằm giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm nói chung; vậy tại sao lại quy định là không tiến hành xử lưu động vụ án do người CTN gây ra trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật?. “Quy định như vậy là rất mâu thuẫn. Nếu đã quy định không xét xử lưu động vụ án do người CTN gây ra thì dù có nhằm  mục đích giáo dục, tuyên truyền pháp luật thì cũng không nên đưa vụ án đó ra xét xử lưu động”- ông Long đề xuất.

Ngoài ra, Thông tư cũng mới quy định về thủ tục tố tụng đói với người bị hại, người làm chứng là người CTN, không có quy định nào đề cập đến người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người CTN, trong khi vai trò của những người này cũng rất quan trọng....

Vân Anh

Đọc thêm