Xây đua, xây chen mồ mả

 Những tháng cuối năm là thời điểm nhiều gia đình xây, sửa mồ mả cho những người thân đã khuất. Nhiều ngôi “ biệt thự” mọc lên như “nấm sau mưa” ở khắp các nghĩa trang,  từ nội  thành tới nông thôn.

Những tháng cuối năm là thời điểm nhiều gia đình xây, sửa mồ mả cho những người thân đã khuất. Nhiều ngôi “ biệt thự” mọc lên như “nấm sau mưa” ở khắp các nghĩa trang,  từ nội  thành tới nông thôn.

Nhiều lựa chọn theo khả năng tài chính

Vào những tháng cuối năm tại các nghĩa trang công việc xây sửa “nhà cửa” cho người đã khuất diễn ra hết sức rầm rộ. Số đông người dân hiện nay đều có tư tưởng khi đã xây mộ cho các cụ phải xây “hoành tráng”, để con cháu được hưởng phúc và cũng là để người sống cảm thấy không bị áy náy. Nhà nọ theo nhà kia từ đó nảy sinh tư tưởng không muốn các cụ phải thua kém nhà bên cạnh nhiều gia đình khi  xây mộ phải xây to, đẹp hơn  các mộ xung quanh. Nhiều gia đình, dòng họ, con cháu không có tiền phải vay mượn để cùng được đóng góp xây, sửa “nhà” cho người thân.

Ông Nguyễn Văn Huân ở xã An Tiến( An Lão) cho biết, năm trước gia đình ông xây 1 ngôi mộ hết gần 50 triệu đồng. Sắp tới, dòng họ ông đang có dự định xây lại ngôi mộ tổ chi phí dự toán khoảng trên 100 triệu đồng, số tiền này sẽ được chia đều cho các suất đinh trong họ - ông Huấn vừa nói vừa chỉ tay về ngôi mộ đang được đổ 80 khối cát tôn nền chuẩn bị xây dựng.

Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm lăng mộ làm sẵn được các cơ sở sản xuất lăng làmnhiều loại  đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng. Một ngôi lăng được làm bằng bê tông, người mua chỉ cần vận chuyển về đặt lên mộ có giá từ 3 đến 12 triệu  đồng tuỳ vào kích cỡ và mức độ cầu kỳ của lăng. Hiện nay, tại nhiều nghĩa trang còn xuất hiện nhiều lăng mộ làm bằng đá, giá của một chiếc lăng đá từ 15 triệu đến 80 triệu đồng. Thậm chí có những công trình tới 300 triệu đồng,  gồm cả lăng và tường bao quanh.

Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, tâm lý người dân vẫn muốn được tự xây và trang trí theo cách riêng của gia đình. Hình thức xây chủ yếu của người dân là xây các lăng có từ 2 đến 3 mái, cao khoảng 2,5 đến 3m, trang trí nhiều hoạ tiết cầu kỳ như: rồng, phượng.  Có gia đình còn sử dụng nhiều loại đá xẻ đắt tiền để ốp mộ.

Các ngội mộ được xây dựng kiên cố và bề thế.
Các ngội mộ được xây dựng kiên cố và bề thế.

Mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch

Hiện nay, tại nhiều nghĩa trang và nhất là các vùng nông thôn, việc xây  mộ diễn ra không theo quy hoạch, từ thiết kế cho tới diện tích của từng ngôi mộ. Có những thôn có tới vài ba khu nghĩa trang. Nhiều gia đình  khả giả xây dựng cho người thân những ngôi “biệt thự” hoành tráng hết cả mấy chục mét vuông đất, vượt hẳn so với chung quanh. Phần lớn tại các nghĩa trang các gia đình tự chọn hướng cho các ngôi mộ, cái dọc, cái ngang từ  đó tạo ra sự lộn xộn, mồ mả quay đủ các hướng. Nhiều nơi người dân lo xa xây tường bao nhận đất trước, thậm chí có những nhà xây nhận luôn cả lối đi. Nhiều nghĩa trang thiếu quy hoạch để người dân tự ý chôn lấp, xây dựng mất cả đường đi, lối lại, nhiều người khi tới viếng mộ phải leo qua các mộ khác để tới ngôi mộ của gia đình.

Còn tại khu vực nội thành nhiều nghĩa trang được quy hoạch chi tiết, từ diện tích, hướng của từng dãy mộ, cho tới đường đi…Nhưng do quá trình xây dựng diễn ra không đồng loạt, mỗi nhà xây một kiểu, nhà xây sau thường xây to, cao hơn nhà xây trước nên không tránh khỏi tình trạng lộn xộn. Nhiều người khi đến thăm mộ thấy ngôi mộ của gia đình mình bị các ngôi mộ chung quanh “bao bọc” vây kín, phải len người mới có thể vào tới mộ - đó là lời chia sẻ của người quản trang tại nghĩa trang Đằng Lâm( Hải An).

 Việc xây mộ thể hiện đạo hiếu của những người đang sống với người đã khuất. Để hạn chế tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan cũng như lãng phí trong việc xây dựng mồ mả tại các nghĩa trang hiện nay: thiết nghĩ rất cần có sự vào cuộc, sự quản lý của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các địa phương  lập lại trật tự trong việc xây dựng ../.

                                                                                             Việt Cường

Đọc thêm