Xây dựng Bến Tre thành 'thủ phủ' dừa

Thủ tướng yêu cầu xây dựng Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa có giá trị gia tăng cao tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, Châu Á...
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bến Tre phấn đấu là tỉnh năng động, đổi mới, giàu có dựa vào lợi thế so sánh tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh của mình; phát huy tinh thần Đồng Khởi trong thời kỳ mới để Bến Tre phát triển mạnh mẽ, bền vững; kết nối nhanh, hiệu quả trước hết là với thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bến Tre phải xác định mục tiêu chiến lược hàng đầu là thu hút được các nhà đầu tư đẳng cấp trong nước, Châu Á và quốc tế, có nguồn lực tài chính, công nghệ hiện đại, trình độ quản trị và tầm nhìn phát triển mới gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre. 

Thủ tướng yêu cầu xây dựng Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa có giá trị gia tăng cao tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, Châu Á; vùng nuôi tôm nổi tiếng, trung tâm du lịch của vùng sông nước Cửu Long. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển mạnh 8 sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản. 

Xây dựng chuỗi liên kết ngang theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo nông sản sạch và an toàn; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó ưu tiên dành quỹ đất cho các nhà đầu tư nuôi trồng thủy hải sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến; ngành công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, cùng với đó là bố trí đủ quỹ đất để phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Phát triển mô hình đô thị ven sông, ven biển, quy hoạch đất đai, đô thị, môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng gắn với phát triển các mô hình kinh tế có tiềm năng lớn như dịch vụ du lịch, năng lượng sạch, dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển thị trường bất động sản.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời yêu cầu tỉnh Bến Tre cần phát huy thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn của địa phương, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh của Tỉnh. Tuyên truyền quảng bá về du lịch lễ hội, văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để Bến Tre đến năm 2020 phấn đấu thu hút 2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 900 nghìn lượt khách quốc tế.

Tỉnh Bến Tre cần nghiên cứu, định hướng, đề xuất các giải pháp để xây dựng Bến Tre trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và trung tâm logistic phục vụ sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng điện, giao thông; hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án đã được cấp phép trong và ngoài khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm. 

Phát triển Trường nghề trọng điểm quốc gia; chủ động phối hợp chặt chẽ với Phân hiệu Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo nghề để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không những cho Bến Tre mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng Khởi Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. 

 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,94%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,9%; sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 93 nghìn tấn (đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long)...

Tuy nhiên, Bến Tre vẫn còn khó khăn, thách thức. Tiềm lực kinh tế và nguồn lực hạn hẹp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu ngân sách còn khó khăn, nguồn thu nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu cân đối chi tiêu tại chỗ. Du lịch chưa phát triển tương xứng với thế mạnh của Tỉnh. 

Đọc thêm