Xây dựng bộ máy các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ký quyết định ban hành Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư  pháp. 
Xây dựng bộ máy các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Nghị định số 96/2017/NĐ-CP nói trên đã hệ thống hóa, quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp theo hướng cụ thể, không chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn với các bộ, ngành khác; quy định rõ cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tổ chức của Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Bộ Tư pháp thành Cục Kế hoạch – Tài chính; cắt giảm hoặc chuyển đổi từ đơn vị hành chính sang đơn vị sự nghiệp công lập 13 Phòng chuyên môn thuộc Vụ, Cục, Văn phòng cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tinh giản tổ chức bộ máy nhà nước, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP là cần thiết để đưa các quy định của Nghị định vào triển khai trên thực tế.

Đề án được ban hành nhằm xây dựng bộ máy các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tinh gọn, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Bộ, ngành Tư pháp; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của từng đơn vị thuộc Bộ gắn với tinh giản biên chế, cải cách công chức, công vụ.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Đề án chỉ rõ: Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc Bộ theo hướng một việc chỉ do một đơn vị thực hiện, trong trường hợp có nhiều đơn vị phối hợp thực hiện thì có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ theo quy định mới bao gồm kiện toàn tổ chức bộ máy Cục Kế hoạch – Tài chính: Triển khai Đề án chuyển đổi Vụ Kế hoạch – Tài chính thành Cục Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tư pháp theo hướng: Cục có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất, toàn diện về công tác kế hoạch, thống kê; tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và đầu tư phát triển của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

 Sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ về Cục Kế hoạch - Tài chính thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tập trung để tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện công tác mua sắm tập trung tại Bộ Tư pháp đối với một số dịch vụ, hàng hóa theo quy định của pháp luật. Sắp xếp cơ cấu tổ chức của Cục Kế hoạch – Tài chính gồm có 04 phòng và 01 đơn vị sự nghiệp.

Về kiện toàn tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ: Theo Đề án, căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, số lượng các phòng tại các Vụ, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ, phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị như sau:

Đối với các Vụ: chủ động sắp xếp các phòng trong Vụ theo hướng ghép Phòng Tổng hợp - Hành chính vào 01 phòng hoặc bộ phận thực hiện chức năng chuyên môn của đơn vị thành phòng mới (bổ sung cụm từ “Tổng hợp, hành chính” vào tên phòng mới).

Đối với Văn phòng Bộ: Xây dựng, đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ bảo đảm ổn định hoạt động của Văn phòng Bộ, phù hợp với Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP và Thông báo kết luận số 407/TB-VPCP.

Về cơ cấu tổ chức của các Cục: Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, số lượng các phòng được thành lập tại các Cục thuộc Bộ, phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị như sau: Cắt giảm Phòng Tài chính - Kế toán thuộc Cục Trợ giúp pháp lý và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Chức năng, nhiệm vụ về tài chính – kế toán của Phòng Tài chính - Kế toán chuyển về Văn phòng Cục hoặc phòng chuyên môn thuộc Cục.

Giao Cục Công nghệ thông tin và Cục Công tác phía Nam chủ động sắp xếp các phòng trong Cục đảm bảo phù hợp với Nghị định số 96/2017/NĐ-CP. Chuyển Phòng Quản lý dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm thành Trung tâm Quản lý dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Đối với việc thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc các Cục: Việc thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc các Cục phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch về đơn vị sự nghiệp công của Bộ Tư pháp.

Về cơ cấu của các đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Bộ: Các đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Bộ được thành lập các tổ chức trực thuộc (phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc) để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Thủ trưởng đơn vị phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức của đơn vị theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.

Việc bố trí, sắp xếp và xây dựng phương án sắp xếp, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động theo yêu cầu công tác và kiện toàn tổ chức cần thông tin đầy đủ, minh bạch, công khai để công chức, viên chức và người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát. Đề án cũng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức thực hiện.

Đọc thêm