Xây dựng Bộ pháp điển: Sẽ 'về đích' trước 3 năm

(PLO) - Chính phủ mới đây đã thông qua Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục của Bộ Pháp điển. 
Ông Đồng Ngọc Ba.

Nhân dịp này, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba đã chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về ý nghĩa, vai trò của Bộ Pháp điển và tình hình xây dựng Bộ Pháp điển hiện nay. Ông Ba cho biết:

- Như chúng ta đã biết, vừa qua, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ xem xét thông qua 36 chủ đề, đề mục của Bộ Pháp điển (chủ đề Đất đai và 35 đề mục thuộc 15 chủ đề khác). Cá nhân tôi cho rằng, đây mới chỉ là kết quả ban đầu trên một hành trình còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã phần nào khẳng định quyết tâm của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong quá trình xây dựng Bộ Pháp điển. Bộ Pháp điển có cấu trúc gồm 45 chủ đề, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có tổng số 265 đề mục thuộc 45 chủ đề), với lộ trình xây dựng trong 10 năm từ 2014 đến 2023 và chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục thuộc 08 chủ đề; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 144 đề mục thuộc 27 chủ đề và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục thuộc 10 chủ đề. 

Tuy nhiên, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của Bộ Pháp điển như tôi đã đề cập, trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành đưa vào kế hoạch và quyết tâm thực hiện pháp điển đến hết năm 2017 xong 118 đề mục và đặt mục tiêu “về đích sớm” trong việc xây dựng Bộ Pháp điển trước thời hạn 03 năm. Đến nay, bên cạnh các chủ đề, đề mục đã trình Chính phủ thông qua, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 22 đề mục. Thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện tiếp một số đề mục để trình Chính phủ xem xét thông qua trong tháng 8/2017. 

Vậy phạm vi các văn bản sử dụng để pháp điển vào chủ đề Đất đai và 35 đề mục mới được Chính phủ thông qua, thưa ông?

- Có thể hiểu đơn giản rằng, mỗi một đề mục được pháp điển từ các văn bản quy định về cùng một lĩnh vực. Trong đó bao gồm văn bản có giá trị pháp lý cao nhất (thường là các luật, pháp lệnh) và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Khi đó tên của đề mực được đặt theo tên của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất cũng đã thể hiện được phạm vi các quy phạm pháp luật (QPPL) được pháp điển vào đề mục đó. Ví dụ đề mục Luật sư được pháp điển bởi Luật Luật sư và 06 văn bản là Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Luật sư.

Ngoài ra, còn một số văn bản QPPL khác có quy định liên quan đến luật sư nhưng được pháp điển vào đề mục khác thì được chỉ dẫn có liên quan đến nhau. Hay chủ đề Đất đai (chỉ có 01 đề mục Đất đai) được pháp điển bởi Luật Đất đai năm 2013 và 55 văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Đất đai. Do vậy, dựa vào tên của mỗi đề mục mà ta có thể xác định tương đối phạm vi các văn bản QPPL được sử dụng pháp điển. Hay tên của đề mục cũng đã khái quát cơ bản nội dung của các quy định được pháp điển vào đề mục đó. Tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Chính phủ đã phê duyệt kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục khác.

Như ông đã đề cập, việc Chính phủ thông qua kết quả pháp điển một số chủ đề, đề mục có ý nghĩa rất quan trọng nhưng mới chỉ là kết quả ban đầu. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác Bộ Pháp điển, Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành sẽ triển khai thực hiện những giải pháp gì?

- Pháp lệnh Pháp điển quy định Bộ Pháp điển được đăng tải công khai trên môi trường mạng internet - cụ thể là Cổng thông tin điện tử pháp điển (tên miền: phapdien.moj.gov.vn). Như vậy, sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết số     48/NQ-CP thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm cập nhật kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục vào Bộ Pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Mọi cá nhân, tổ chức có thể truy cập, khai thác, tìm kiếm các quy định của pháp luật trong Bộ Pháp điển miễn phí. Đối với 22 đề mục đã được pháp điển xong nhưng chưa trình Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp tạm thời đăng tải trên Mục Kết quả pháp điển đã thẩm định trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để giúp các cá nhân, tổ chức tham khảo, sử sụng trước các đề mục này.

Ngoài ra, để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận với Bộ Pháp điển nói chung và kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục nói riêng, ngay tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả pháp điển; các bộ, ngành trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình thực hiện phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc chủ đề Đất đai và 35 đề mục nêu trên.

Thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp dự kiến tổ chức giới thiệu, phổ biến kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục đến với các đối tượng theo chúng tôi đánh giá là có nhu cầu cao trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển; đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị giới thiệu, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức cơ quan mình biết và sử dụng, khai thác Bộ Pháp điển. Bộ cũng sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tích hợp Bộ Pháp điển điện tử lên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan/địa phương mình góp phần giúp cán bộ, công chức của cơ quan cũng như người dân, doanh nghiệp thuận tiện sử dụng, khai thác Bộ Pháp điển.

Nhân đây, tôi cũng mong muốn Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong việc truyền thông, giới thiệu tới đông đảo bạn đọc cũng như cá nhân, tổ chức về công tác pháp điển và Bộ Pháp điển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm