Xây dựng Cát Bà trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá- Cần đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm tại Trân Châu

Ngư trường Cát Bà, Bạch Long Vĩ rộng lớn, gần ngư trường Long Châu,  song hơn 900 tàu, thuyền hiện có của huyện Cát Hải chủ yếu hoạt động ven lộng, sản lượng và giá trị thủy sản đánh bắt không cao.

Ngư trường Cát Bà, Bạch Long Vĩ rộng lớn, gần ngư trường Long Châu,  song hơn 900 tàu, thuyền hiện có của huyện Cát Hải chủ yếu hoạt động ven lộng, sản lượng và giá trị thủy sản đánh bắt không cao. Trong khi đó, Cát Bà thu hút lượng lớn tàu thuyền từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Thanh Hoá…đến khai thác. Điều này cho thấy, tiềm năng khai thác thuỷ sản xa bờ của huyện Cát Hải đang bị bỏ ngỏ.

Ngư dân Cát Hải chuẩn bị phương tiện ra khơi khai thác thủy sản. Ảnh: Duy Lân

Ngư dân Cát Hải chuẩn bị phương tiện ra khơi khai thác thủy sản.

Ảnh: Duy Lân

 

Đang bỏ ngỏ tiềm năng

 

Nhiều chủ phương tiện tới những ngư trường này đánh bắt hải sản, song lại bán sản phẩm   cho các đầu lậu ngay trên biển, hoặc vào thẳng đất liền. Rõ ràng, không chỉ tiềm năng khai thác thuỷ sản xa bờ ở đây bị bỏ ngỏ mà cơ hội khai thác và phát triển dịch vụ nghề cá như dịch vụ cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, nước ngọt, đá ướp, sửa chữa nhỏ các phương tiện sau mỗi chuyến đi biển...cũng chưa nắm bắt được. Vậy là, ngư trường tấp nập tàu thuyền nhưng Cát Bà dường như vẫn đứng ngoài cuộc, chẳng khác gì ngủ quên trên mỏ vàng ròng.

 

Mặt khác, cảng cá và khu neo đậu tại Tùng Vụng quá gần trung tâm du lịch Cát Bà. Vì thế, những dịch vụ đi kèm như hoạt động mua bán, tiêu thụ hải sản, sửa chữa cơ khí, cung cấp vật tư, nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các chủ phương tiện lại trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường khu du lịch, làm xấu cảnh quan vùng vịnh này.

 

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khai thác lợi thế huyện đảo

 

Những  nghịch lý trên sẽ được khắc phục, giải quyết hiệu quả khi Cát Bà trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần và phát triển thủy sản Trân Châu quy mô 32,89 ha, mức đầu tư 250,210 tỷ đồng đang được triển khai với nhiều hạng mục. Đó là trung tâm dịch vụ thương mại, giao dịch, mua bán nguyên liệu thủy sản; khu vực sản xuất, chế biến hàng hóa thủy sản; nơi cung cấp ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác phục vụ tàu thuyền đánh bắt cá, nuôi trồng, chế biến thủy sản; trung tâm đào tạo nghề, hướng dẫn công nghệ mới cho ngư dân…Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, đang triển khai một số gói thầu, phấn đấu năm 2012 hoàn thành và đưa các hạng mục vào sử dụng. Khi đó, Trung tâm dịch vụ hậu cần và phát triển thủy sản Trân Châu trở thành điểm hẹn không chỉ của tàu thuyền neo đậu mà còn là nơi tập kết, trao đổi hàng hóa, khu dịch vụ tấp nập của ngành thủy sản phía Bắc.

 

Để những ưu thế  sớm trở thành hiện thực, cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án phát triển thủy sản và hậu cần nghề cá trên huyện đảo. Trong đó, dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và phát triển thủy sản Trân Châu là một trong những công trình trọng điểm của thành phố.  Nhưng khó khăn về vốn và điều kiện thi công ngoài đảo xa đang là trở ngại, đòi hỏi các chủ đầu tư, ngành chức năng quyết tâm cao hơn. Với đặc thù tự nhiên, quần đảo Cát Bà còn là nơi tránh, trú bão lý tưởng cho các phương tiện. Do vậy, trên cơ sở quy hoạch tổng thể được phê duyệt, huyện và thành phố xây dựng mới cũng như hiện đại hoá hệ thống hậu cần nghề cá như cụm cầu, bến cảng; khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão. Vấn đề nâng cao kỹ năng làm việc cho lao động nghề cá, mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương, giúp ngư dân không chỉ bám biển mà còn vươn khơi, làm giàu từ biển cũng cần được quan tâm đúng mức. Thành phố, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp huyện đảo rà soát, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ hoạt động nghề cá trên biển đảo, chuyển đổi khai thác thuỷ sản ven bờ, hỗ trợ ngư dân khai thác thuỷ sản xa bờ. Các ngành nghề chế biến, sản phẩm khai thác từ biển cần được tạo điều kiện phát triển với công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị. Tăng cường dịch vụ trên biển và hỗ trợ rủi ro, khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Văn Lượng

Đọc thêm