Xây dựng chính sách cho chuyển đổi xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyển đổi xanh là xu thế của toàn cầu. Dự báo và nắm bắt xu thế tất yếu này, Bộ Chính trị từng có nhiều nghị quyết quan trọng. Ngay từ cách đây 10 năm là Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cách đây 4 năm là Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện tầm nhìn trên, nhiều quy định pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. “Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý cho chuyển đổi xanh”, là ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi tiếp bà Mary L.Schapiro, Phó Chủ tịch Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (GFANZ) trong một cuộc gặp tổ chức mới đây.

Thời gian qua, ở nước ta đã có nhiều dự án chuyển đổi năng lượng như tăng công suất các nhà máy thủy điện kết hợp điện mặt trời, điện gió, phát triển điện sinh khối, thực hiện trung hòa carbon, chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải khí methane trong 1 triệu ha lúa, phát triển 5.000MW điện mặt trời áp mái. Còn có những giải pháp bảo đảm cân bằng, ổn định của lưới điện quốc gia, sản xuất, sử dụng hydro xanh, amoniac xanh, các giải pháp lưu trữ điện năng. Điện gió cũng đã, đang xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành.

Cách đây gần 1 năm (ngày 31/8/2023), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP). Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, DN và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ là mục tiêu cụ thể đầu tiên được nêu lên tại Quyết định trên.

Ở khía cạnh pháp lý trong lĩnh vực trên, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Thứ hai, cải thiện khung pháp lý để tạo thuận lợi cho đầu tư. Thứ ba, xây dựng khung pháp lý dài hạn phù hợp lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” và đáp ứng yêu cầu phát triển phát thải thấp... Ngoài ra còn cần có những cơ chế khác về hỗ trợ DN, lồng ghép chuyển đổi năng lượng... Giải quyết dứt điểm các vướng mắc về pháp lý nêu trên, là góp phần quan trọng trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đạt mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính…

Đọc thêm