Xây dựng chức danh Hộ tịch viên không gây quá tải bộ máy

Với đề xuất xây dựng chức danh Hộ tịch viên, có ý kiến nghi ngại sẽ làm phình thêm bộ máy vốn dĩ đang muốn “co hẹp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu có Hộ tịch viên, bộ máy không những vẫn đảm bảo tinh gọn mà quan trọng hơn là việc của dân sẽ được giải quyết tốt hơn rất nhiều.

Với đề xuất xây dựng chức danh Hộ tịch viên, có ý kiến nghi ngại sẽ làm phình thêm bộ máy vốn dĩ đang muốn “co hẹp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu có Hộ tịch viên, bộ máy không những vẫn đảm bảo tinh gọn mà quan trọng hơn là việc của dân sẽ được giải quyết tốt hơn rất nhiều.

Nhiều địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách về hộ tịch
Nhiều địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách về hộ tịch

Hộ tịch viên được quyền “ký thẳng”

Với Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì quy trình đăng ký một việc về hộ tịch được đánh giá là không mấy phức tạp và phiền toái. Dù sự phiền toái không nằm trong quy định của pháp luật nhưng để giải quyết một việc về hộ tịch nhiều khi người dân rất mất thời gian. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sự quá tải trong công việc của cả cán bộ tư pháp và chính quyền cơ sở.

 Về nguyên tắc, một hồ sơ đăng ký hộ tịch trước khi được trình lãnh đạo UBND cấp xã ký thì phải qua Tư pháp (nghĩa là công chức Tư pháp - Hộ tịch chỉ là người tham mưu, giúp UBND cấp xã trong đăng ký hộ tịch, mà chưa có thẩm quyền trực tiếp ký các giấy tờ hộ tịch).

Hiện nay, theo Bộ Tư pháp, mặc dù ở xã, phường, thị trấn tuy đã có công chức Tư pháp - Hộ tịch nhưng do khối lượng công việc ngày càng tăng, kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, tính chất công việc hộ tịch và Tư pháp có nhiều điểm khác biệt, nên việc tập trung hai lĩnh vực này cho một chức danh Tư pháp - Hộ tịch đang có nhiều bất cập.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, tại nhiều đơn vị xã, phường, thị trấn, nơi có đông dân cư và công việc hộ tịch nhiều, đã bố trí được công chức chuyên trách làm công tác hộ tịch. Tuy nhiên trên thực tế, số xã, phường chưa có công chức chuyên trách làm công tác hộ tịch còn nhiều. Điều đó dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp, không đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân.

Về nguồn để bổ nhiệm Hộ tịch viên, ngoài các sinh viên tốt nghiệp đại học Luật hàng năm, đến nay, Bộ Tư pháp đã thành lập 5 trường Trung cấp Luật tại các khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ, các trường đều đi vào hoạt động. Như vậy, theo yêu cầu của dự thảo Luật, đến năm 2015-2016 thì cơ bản sẽ có đủ cán bộ có trình độ trung cấp Luật được đào tạo chính quy để có thể bổ nhiệm làm Hộ tịch viên.

Đó là chưa kể trong rất nhiều trường hợp hồ sơ dù đã qua “cửa tham mưu” (Tư pháp) nhưng lên trên (UBND) thì “nghẽn” lại do lãnh đạo UB cấp xã quá nhiều việc phải làm, không thể túc trực chỉ để ký riêng giấy tờ hộ tịch.

Với tinh thần cải cách và tạo sự đột phá trong công tác đăng ký hộ tịch, Dự thảo Luật Hộ tịch đã xây dựng chức danh Hộ tịch viên (thực ra là việc khôi phục lại và chuẩn hóa chức danh Hộ tịch viên (Hộ lại trước đây)). Đồng thời dự luật cũng giao cho Hộ tịch viên được “ký thẳng” (ký Sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch, cải chính, đăng ký kết hôn cho người nước ngoài, được sử dụng con dấu riêng khi đăng ký hộ tịch – những vấn đề hiện nay đang do lãnh đạo UBND thực hiện).

Chỉ cần sắp xếp cán bộ hợp lý

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Phạm Xuân Phương tỏ ra lo ngại, bổ sung thêm chức danh hộ tịch viên là cả vấn đề về bộ máy biên chế. Thực tế ở Hà Nội hiện nay cho thấy mỗi đợt bầu cử, ngành Tư pháp “mất” cán bộ rất nhiều vì cán bộ hộ tịch được cất nhắc lên những vị trí mới (ở Hà Nội mỗi năm có khoảng 20-30% cán bộ Tư pháp rời khỏi vị trí của mình). “Bổ nhiệm hộ tịch viên là phải “ngồi một chỗ” suốt đời. Liệu họ có chịu yên vị không?” - ông Phương đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng tỏ rõ sự băn khoăn vì “xây dựng thêm chức danh Hộ tịch viên là có thể tăng thêm 11.000 biên chế, sẽ giải quyết vấn đề thế nào và tác động đến ngân sách ra sao?”

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khi thẩm tra Dự án Luật này đã cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành bổ sung quy định chức danh Hộ tịch viên, nhằm chuyên môn hóa chức danh này, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đăng ký, quản lý hộ tịch, khắc phục tình trạng quá tải trong công tác hộ tịch hiện nay; đồng thời, đề nghị Chính phủ có biện pháp tạo nguồn Hộ tịch viên để thực hiện nhiệm vụ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, công tác hộ tịch ở cấp xã hiện nay đang được giao cho cán bộ Tư pháp – hộ tịch thực hiện. Trên thực tế với khối lượng công việc hộ tịch ở địa phương thì chưa cần thiết phải tách riêng, bổ sung chức danh Hộ tịch viên.

Việc bổ nhiệm hộ tịch viên sẽ làm tăng số lượng lớn biên chế ở cấp xã. Do đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, trước mắt chưa nên bổ sung chức danh Hộ tịch viên mà nên giữ nguyên chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch như quy định hiện hành của Luật Cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, với mục tiêu “tạo thuận lợi nhất cho người dân trong đăng ký hộ tịch” nhưng cũng đảm bảo phù hợp với điều kiện biên chế và ngân sách, nhiều ý kiến tán thành với chủ trương xây dựng đội ngũ Hộ tịch viên do Chính phủ đề xuất. Bởi, hiện nay cả nước đã có gần 5.000 xã trên tổng số 11.195 xã có từ 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch trở lên.

Ở nhiều địa phương, căn cứ vào quy định của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh đã ra Nghị quyết phân bổ 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch cho UBND cấp xã, song chính quyền cơ sở chưa bố trí đủ. Ở một số địa phương đang có hiện tượng sử dụng biên chế tăng thêm cho chức danh Tư pháp - Hộ tịch để bố trí đảm nhiệm công việc khác (như Phó trưởng Công an xã, Phó chỉ huy Quân sự xã).

Vì vậy, về tổng thể, theo Chính phủ, với chức danh Hộ tịch viên chuyên trách thì cơ bản cũng không làm tăng tổng biên chế công chức cấp xã theo quy định. UBND cấp xã chỉ cần bố trí, sắp xếp hợp lý vị trí công tác trong chỉ tiêu biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch đã được giao là có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nga Minh

Đọc thêm