Xây dựng cơ sở đào tạo nghề trồng nấm, sản xuất giống nấm ở Vĩnh Bảo: Cần nhanh chóng được triển khai

Hiện nay nghề trồng nấm ở huyện Vĩnh Bảo được bà con nông dân tiếp thu, đầu tư sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cải thiện đời sống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương

Hiện nay nghề trồng nấm ở huyện Vĩnh Bảo được bà con nông dân tiếp thu, đầu tư sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cải thiện đời sống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Song, thực tế đang đặt ra khi phát triển nghề này là trình độ của người dân còn hạn chế; địa phương chưa chủ động được nguồn giống.

 

Khó khăn phát sinh

Những mô hình trồng nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm…đang được nhân rộng, trở thành hướng phát triển mới thu hút nhiều hộ dân tham gia. Mới qua gần 2 năm triển khai đề án phát triển trồng nấm tới các địa phương, toàn huyện Vĩnh Bảo đã có hàng trăm hộ sản xuất nấm, hàng vạn mét vuông lán trại sản xuất nấm được đầu tư. Quy mô, diện tích trồng nấm qua các năm ngày càng tăng với nhiều chủng loại như: nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi…sản xuất cho thu hoạch cao, giải quyết nhiều cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất nấm ở thành phố nói chung, huyện Vĩnh Bảo nói riêng khá mới, do vậy, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân còn hạn chế. Các loại giống nấm phục vụ sản xuất đều phải nhập từ nơi khác về nên thiếu tính chủ động. Sản xuất nhiều loại nấm cao cấp như: đùi gà, kim chi…đòi hỏi trang thiết bị chuyên dụng cũng như nhà xưởng với chi phí đầu tư cao. Do chưa chủ động nên có thời kỳ nguồn giống nấm cung ứng cho người sản xuất không kịp thời vụ. Nguồn giống nấm của các đơn vị cung ứng cho người dân không ổn định, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng. Điều này, dẫn đến tình trạng người dân đưa giống nấm vào sản xuất không bảo đảm khung thời vụ, năng suất thấp, không khai thác hết công suất lán trại.

Tại Hải Phòng có một cơ sở sản xuất giống nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cấp 3 đáp ứng đủ 10% nhu cầu của toàn thành phố năm 2008. Lượng giống nấm cung cấp cho các huyện chủ yếu được nhập về từ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam), trong đó huyện Vĩnh Bảo nhu cầu lượng giống chiếm 35-40%. Thực tế trên cho thấy nhiều bất cập trong công tác cung ứng nguồn giống nấm cho các địa phương.

 

Để dự án trở thành hiện thực

Theo đề án phát triển sản xuất giống nấm của Vĩnh Bảo, đến năm 2010, quy mô sản xuất nấm 1.500-2.000 tấn nguyên liệu, cần lượng giống 80-100 tấn. Rõ ràng đã đến lúc cần xây dựng cơ sở đào tạo nghề trồng nấm, sản xuất giống nấm.

Theo ông Phạm Ngọc Điệp, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Vĩnh Bảo, dự án sẽ xây dựng cơ sở, đào tạo nghề trồng nấm cơ bản hoàn tất. Diện tích 10.000 m2 mặt bằng phục vụ dự án đã được phê duyệt. Trung tâm cử cán bộ đi tập huấn, chuẩn bị giáo trình, giáo án, đội ngũ giáo viên. Khi dự án được triển khai, sẽ cung ứng đủ nhu cầu về nguồn giống của 30 xã, thị trấn trong huyện; đồng thời có khả năng cung ứng khoảng 50% nhu cầu giống nấm cho các địa phương trong thành phố, Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất nấm cho người dân địa phương; tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, quy mô hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện thành công dự án, yếu tố quan trọng có tính quyết định là nguồn kinh phí cần được quan tâm đầu tư kịp thời.

 

Nấm là nông sản giàu chất dinh dưỡng có hàm lượng protein và lipit cao. Có thể giữ nấm tươi 7-10 ngày ở nhiệt độ từ 7-10 độ C hoặc phơi nắng hay sấy khô. Nấm có thể trồng quanh năm. Nguyên liệu trồng nấm đơn giản, có thể tận dụng các loại phế thải như: mùn cưa, bã mía, rơm rạ, bắp ngô…Sản xuất không dùng hóa chất nên nấm không chỉ bổ dưỡng mà còn là một loại rau an toàn và sạch cho người tiêu dùng.

 

                                                                                                          Tiến Đạt

Đọc thêm