Xây dựng Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức vì người lao động

(PLVN) - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành.
Xây dựng Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức vì người lao động

Nghị quyết khẳng định, trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh…

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước.

Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của CĐVN.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết đưa ra quan điểm chỉ đạo là xây dựng CĐVN vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế. Xây dựng CĐVN vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một trong sáu nhiệm vụ giải pháp chủ yếu được Nghị quyết đưa ra là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; Nghiên cứu, triển khai các phương thức, mô hình tập hợp đoàn viên, người lao động thích ứng với tình hình mới; Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động để thu hút, tập hợp, định hướng cho công nhân, người lao động. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đề nghị tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để CĐVN thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Đọc thêm