Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ tài chính miền Trung

Là thành phố có vị trí chiến lược cả về kinh tế-xã hội và an ninh - quốc phòng, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mêkông, vì vậy, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính - tiền tệ của khu vực là một trong những định hướng đã được xác định rõ trong mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố nói riêng, của miền Trung -Tây Nguyên nói chung.

Là thành phố có vị trí chiến lược cả về kinh tế-xã hội và an ninh - quốc phòng, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mêkông, vì vậy, việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính - tiền tệ của khu vực là một trong những định hướng đã được xác định rõ trong mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố nói riêng, của miền Trung -Tây Nguyên nói chung.

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng Phương Nam.

Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng Phương Nam. 

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã trở thành “điểm dừng chân” của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong và ngoài nước. Thật không quá lời khi rất nhiều ý kiến có cùng nhận định: Đà Nẵng là phố “Wall” của miền Trung, khi nơi đây hiện có sự góp mặt của gần 51 chi nhánh cấp 1 của các TCTD, bao gồm 4 ngân hàng (NH) liên doanh, 33 NHTMCP, 9 NH Nhà nước, 1 công ty tài chính, 1 NH Chính sách xã hội, 1 NH Phát triển, 2 công ty cho thuê tài chính và gần 200 phòng giao dịch. Đó là chưa kể 3 văn phòng đại diện khu vực miền Trung của NHNN & PTNT, NH Công thương, NH Đầu tư & Phát triển cùng với NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố.  Ngoài  ra, Đà Nẵng còn có sự góp mặt của 4 NH liên doanh là Việt - Thái, VID Public, Indovina và mới đây nhất là NH liên doanh Việt - Nga, làm cho thị trường tài chính Đà Nẵng thêm khởi sắc.

Theo đánh giá của lãnh đạo NH Nhà nước Việt Nam, hiện nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là Đà Nẵng, đã có mặt đầy đủ các NHTM thuộc mọi thành phần kinh tế (Nhà nước, cổ phần, liên doanh, chi nhánh nước ngoài…) cùng tham gia đầu tư vốn trên địa bàn. Các NHTM đã bám chặt vào từng địa bàn, từng dự án, từng hộ nông dân và trở thành người trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân và hộ kinh doanh thực hiện sản xuất, kinh doanh.

Các NH đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp trong việc triển khai quy hoạch, tư vấn xây dựng dự án. Sự đầu tư kịp thời vốn tín dụng NH vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thực sự phát huy tác dụng, khi đã tham gia vào hầu hết các dự án trọng điểm, dự án lớn trong khu vực như: dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án trong Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Khu kinh tế- thương mại Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) và các dự án gắn liền với tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao thương của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, sẽ giúp cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên hội nhập với khu vực và phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của mình.

Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống tài chính, tín dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế thành phố, đặc biệt tham gia giải quyết nhiều vấn đề “nóng” như việc làm, vốn cho doanh nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Một kết quả dễ nhận thấy nhất là nguồn vốn huy động của các TCTD đều tăng nhanh hằng năm. Nếu như năm 2003 chỉ dừng ở khoảng một vài nghìn tỷ đồng thì đến cuối tháng 12-2009, con số này ước đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 35 nghìn tỷ đồng.

Sau hơn 10 năm phát triển với tốc độ cao, Đà Nẵng đã tạo ra được một số lợi thế và tiền đề để vươn lên trở thành trung tâm tài chính -tiền tệ khu vực. Trên thực tế, thực lực của Đà Nẵng vẫn còn thấp hơn so với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các tổ chức tài chính mới đặt chi nhánh tại Đà Nẵng chủ yếu của các NHTM và công ty bảo hiểm, còn các công ty kế toán kiểm toán, các công ty chứng khoán, công ty mua bán nợ chưa có hoặc còn quá ít.

Vì vậy, để thu hút nhanh và nhiều hơn nữa sự có mặt của các TCTD trong và ngoài nước, Đà Nẵng cần cải cách mạnh các thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức tài chính triển khai kinh doanh trên địa bàn, như tạo thuận lợi trong cho thuê mặt bằng, hoặc quy hoạch, xây dựng trung tâm tài chính tập trung cho các tổ chức tài chính thuê…

Có môi trường minh bạch cho doanh nghiệp, kích thích mạnh mẽ khu vực dân doanh đầu tư vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh… Huy động tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối hệ thống thanh toán thẻ thống nhất giữa các ngân hàng, thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động theo hướng tăng nguồn vốn huy động trung - dài hạn, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng.

Bài và ảnh: Thành Lân

Đọc thêm