Xây dựng nguồn nhân lực về pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế. Song thực tế, công tác đào tạo cán bộ về pháp luật (CBPL) còn rất hạn chế cả về qui mô và chất lượng đào tạo, chưa tương xứng với nhiệm vụ đặt ra và chưa trường đại học luật (ĐHL) nào được vào danh sách các trường trọng điểm quốc gia.
|
Trường Đại học Luật TP HCM |
Nhu cầu về CBPL ngày càng lớn
Trước yêu cầu xây dựng NNPQ và hội nhập quốc tế, nước ta không chỉ cần đội ngũ CBPL đủ về số lượng mà còn phải vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ pháp luật, bản lĩnh hội nhập, cần đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật đạt trình độ khu vực và trên thế giới để tham mưu giúp Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, xây dựng và thực thi chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Dự báo đến năm 2020, ngành Tòa án cần bổ sung khoảng 1.000 cán bộ, công chức/năm (trong đó cần khoảng 500 Thẩm phán), trung bình tuyển mới khoảng 1.3000 người/năm. Ngành Kiểm sát cần tuyển mới khoảng 1.750 người, các cơ quan THADS cần bổ sung khoảng 700 chấp hành viên, 1.300 thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, 4.300 đến 4.500 thư ký thi hành án, 14.540 cán bộ quản lý hành chính nhà nước và sự nghiệp của ngành Tư pháp, pháp chế Bộ, ngành (giai đoạn 2016-2020 là 12.340 người, chủ yếu là CBPL), 18-20.000 luật sư cùng với nhu cầu rất lớn tăng cường đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương các cấp, CBPL tại các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế.
Đến nay, trường ĐHL Hà Nội và TP.HCM là hai trong những cơ sở đào tạo chuyên ngành luật có qui mô lớn nhất nước ta hiện nay, có đủ năng lực đào tạo CBPL từ trình độ cử nhân đến tiến sỹ và cung cấp trên 60% tổng số CBPL cho cả nước. Với những ưu thế đã đạt được là tiền đề thúc đẩy sự phát triển toàn diện và vững chắc trong tương lai, là nền tảng quan trọng để 2 trường tăng cường vị thế của mình trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng 2 trường thành trường trọng điểm đào tạo CBPL là “để tạo ra bước đột phá trong công tác đào tạo CBPL cũng như trong việc củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo luật ở nước ta hiện nay”.
Chủ động để “lọt” vào “top 20” trường trọng điểm
Dự thảo Đề án tổng thể xác định, tập trung nguồn lực xây dựng trường ĐHL Hà Nội và TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo CBPL, có đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, có mô hình quản trị đại học tiên tiến nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, qui mô hoạt động đào tạo CBPL, nghiên cứu khoa học pháp lý, tích cực góp phần cung cấp nguồn nhân lực PL có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hôi nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo Đề án đặt ra đến năm 2016, tổng qui mô đào tạo đại hoc chính qui của 2 trường đạt 22.000 sinh viên, mở rộng qui mô tuyển sinh văn bằng 2, thạc sỹ và tiến sỹ với mức tăng năm sau cao hơn năm trước khoảng 12%, kết hợp nâng cao chất lượng đạo tạo đại học hệ vừa học vừa làm. Có khoảng 900 giảng viên trong đó giảng viên có trình độ tiến sỹ chiếm khoảng 35-40%...
Đến năm 2020, qui mô đào tạo của ĐHL Hà Nội khoảng 19.000 sinh viên và ĐHL TP.HCM khoảng 16.000 sinh viên, đáp ứng cơ bản nhu cầu CBPL của đất nước. Đồng thời, tạo uy tín, danh tiếng trong đào tạo mũi nhọn của từng trường, phát triển mạnh, đa dạng hóa chương trình đào tạo, xây dựng trường thành trung tâm nghiên cứu, trung tâm học thuật và trao đổi các ý tưởng khoa học pháp lý có uy tín tại Việt Nam, phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu (khoảng 1.400 người, trong đó 40% có trình độ tiến sỹ)…
Cơ bản nhất trí với việc thực hiện Đề án, đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan đã góp nhiều ý kiến cụ thể về định hướng, giải pháp thực hiện Đề án trên những điều kiện hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến tính thống nhất giữa hai đề án thành phần (do 2 trường ĐHL xây dựng) với nhau và với đề án tổng thể, cũng như quan tâm đến tính hiệu quả, tránh thất thoát, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đánh giá cao nhận thức của các Bộ, ban, ngành liên quan trong thực hiện Đề án và đề nghị, mỗi trường tập trung hoàn thiện các đề án thành phần để Ban Chỉ đạo phê duyệt mới đảm bảo tính khả thi, trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10).
Bộ trưởng yêu cầu trong quá trình thực hiện, hai trường phải chủ động, nỗ lực để sớm “lọt” vào “top 20” trường trọng điểm của quốc gia với sự hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành liên quan và đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu về nguồn CBPL cho đất nước.
Sáng qua (19/7), Bộ Tư pháp đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Trưởng ban, cùng sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan như Văn phòng Chính phủ, các Bộ Giáo dục – Đào tạo, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TƯ, UBND TP.Hà Nội và TP.HCM… |
H.Giang