[links()]Tháng 7.1010 Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long. Khi thuyền vừa cập bến, nhà vua thấy rồng vàng hiện lên Thuyền Ngự, do đó đã đặt tên là kinh đô Thăng Long (nghĩa là Rồng bay), tức Hà Nội ngày nay. Sau đó, ông cho xây dựng kinh thành to lớn đàng hoàng, nhân dân các nơi đổ về làm ăn sinh sống vui vẻ.
Theo tài liệu Mộc bản triều Nguyễn thì, năm Bính Tuất (866), đời Đường, niên hiệu Hàm Thông thứ 7, thành Đại La có chu vi một ngàn chín trăm tám mươi hai trượng lẻ năm thước, thân thành cao hai trượng sáu thước, chân thành rộng hai trượng năm thước, bốn mặt nữ tường (là tường nhỏ xây trên thành) cao năm thước năm tấc, năm mươi lăm lầu vọng địch, sáu cửa úng môn (là cửa có xây thành bảo vệ), ba hào nước, ba mươi bốn đường đi, lại xây đê quanh thành dài hai ngàn một trăm mười lăm trượng tám thước, cao một trượng năm thước, chân rộng hai trượng, xây hơn bốn mươi vạn căn nhà (1). Qua đó cho thấy thành Đại La vốn có quy mô rộng và là chốn đô hội, dân cư đông đúc.
Buổi đầu dời đô, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng các cung điện trong thành Thăng Long, trong đó có cung Thúy Hoa là cung xây cho các cung nữ ở. Theo Mộc bản triều Nguyễn, ký hiệu H31/8, sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 4 cho biết: “Mùa đông, tháng 12, năm Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ nhất (1010), Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 3, cung Thúy Hoa làm xong, tổ chức lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả”. Trong quyển 2, mặt khắc 5, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Năm ấy (Năm Tân Hợi, Thuận Thiên năm thứ 2 – 1011), ở trong thành, bên tả dựng cung Đại Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, làm kho Trấn Phúc. Ngoài thành, dựng chùa Tứ Đại Thiên Vương và các chùa Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ. Dựng điện Hàm Quang ở bến sông Lô . Đến mùa hạ, tháng 4, Nhâm Tý (Thuận Thiên năm thứ 3 - 1012), Lý Thái Tổ cho sửa chữa 2 điện Long An, Long Thụy, là nơi nhà vua nghỉ ngơi.
Lý Thái Tổ là người sùng mộ Phật giáo, nên rất quan tâm đến việc xây dựng chùa chiền và đúc chuông chùa: Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc số 7 ghi rõ: Mùa thu, tháng 9 (Giáp Dần, Thuận Thiên năm thứ 5 – 1014), nhà vua xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên. Tiếp đó, mùa đông, tháng 10, xuống chiếu phát 800 lạng bạc trong kho để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và tinh lâu Ngũ Phượng; đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long; đổi phủ Ứng Thiên thành Nam Kinh. Kỷ Mùi, mùa Xuân, tháng giêng, dựng Thái Miếu ở lăng Thiên Đức. Đến năm Giáp Tý, Thuận Thiên năm thứ 15 (1024), Tống Thiên Thánh năm thứ 2, nhà vua cho sửa chữa kinh thành Thăng Long. (2)
Lý Thái Tổ là người sùng mộ Phật giáo, nên rất quan tâm đến việc xây dựng chùa chiền và đúc chuông chùa: Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc số 7 ghi rõ: Mùa thu, tháng 9 (Giáp Dần, Thuận Thiên năm thứ 5 – 1014), nhà vua xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên. Tiếp đó, mùa đông, tháng 10, xuống chiếu phát 800 lạng bạc trong kho để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và tinh lâu Ngũ Phượng; đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long; đổi phủ Ứng Thiên thành Nam Kinh. Kỷ Mùi, mùa Xuân, tháng giêng, dựng Thái Miếu ở lăng Thiên Đức. Đến năm Giáp Tý, Thuận Thiên năm thứ 15 (1024), Tống Thiên Thánh năm thứ 2, nhà vua cho sửa chữa kinh thành Thăng Long. (2)
Sang đời Vua Lý Thái Tông (1028-1054), nhà vua lấy niên hiệu Thiên Thành. Bên cạnh việc kiến thiết lại thành Thăng Long, nhà vua quan tâm đến việc mở mang bờ cõi. Mộc bản ghi lại : Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 (1029), nhà vua sai Hữu ty mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An. Bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là Long Trì (thềm rồng). Phía đông thềm rồng gọi là điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quảng Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh thềm rồng đều có hành lang để tụ họp các quan và sáu quân túc vệ. Phía trước làm điện Phụng Thiên; trên điện dựng lầu Chính Dương, làm nơi trông coi tính toán giờ khắc; phía sau làm điện Trường Xuân; trên điện dựng gác Long Đồ, làm nơi nghỉ ngơi du ngoạn. Bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long Thành. (3)
|
Dịch và biên soạn tài liệu mộc bản. |
Mùa xuân, tháng 2, Canh Ngọ (Thiên Thành năm thứ 3 - 1030), nhà vua làm điện Thiên Khánh ở trước điện Trường Xuân, để làm chỗ cho vua nghe chính sự. Điện làm theo kiểu bát giác, trước sau đều bắc cầu Phượng Hoàng. (4) Một sự kiện khá quan trọng, vào năm Ất Hợi, (Thông Thụy năm thứ 2 - 1035), Tống Cảnh Hựu năm thứ 2, nhà vua mở chợ Tây Nhai và dãy phố dài ở chợ ấy. Đồng thời cửa Quảng Phúc của thành Thăng Long mở ra phía chùa Diên Hựu (chùa Một cột) và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà). Thời điểm này, nhà vua xuống chiếu bắc cầu Thái Hòa ở sông Tô Lịch. Tháng 9 bắc cầu xong, vua ngự đến xem, sai các quan hầu làm thơ. (5)
Đời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), nhà vua tập trung vào việc sửa chữa chùa chiền. Một sự việc quan trọng nhất: vua lại cho xây đắp Bửu Tháp “Đại thắng tư thiên” 12 tầng, cao mấy mươi trượng (6)
Sang đời vua Lý Nhân Tông, nhà vua cho dựng lại kiến trúc của thành Thăng Long, sửa lại thành Đại La, (7) sửa chùa Diên Hựu (chùa Một cột)(8). Một sự kiện đáng nhớ trong giai đọan này được ghi lại: Mùa xuân, tháng 2, đúc chuông lớn ở chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó là thành khí, nên không tiêu hủy, bèn đem bỏ ở Quy Điền (ruộng rùa) của chùa. Ruộng ấy thấp ướt, có nhiều rùa, người bấy giờ gọi là Chuông Quy Điền. (9)
Đời Vua Lý Anh Tông (1138-1175), nhà vua kiến thiết một lọat các công trình. Vào năm Bính Tý, Đại Định năm thứ 17 (1156), làm hành lang cung Ngự Thiên, điện Thụy Quang, gác Ánh Vân, cửa Thanh Hòa, thềm Nghi Phượng, gác Điện Phú, đình Thưởng Hoa, thềm Ngọc Hoa, hồ Kim Liên, cầu Minh Nguyệt và đóng thuyền to bản của ngự trù (bếp nhà vua), thuyền to bản của nội cung; dựng miếu thờ Khổng Tử(10). Đến năm 1161, dựng chùa Pháp Vân ở châu Cổ Pháp (11)
Đến đời vua Trần Thái Tông, có cuộc cải cách lớn khi: “Định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, học theo đời trước chia làm 61 phường; đặt ty Bình Bạc (là cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long lúc đó). Lại mở rộng phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành giao cho quân Tứ Sương thay phiên nhau canh giữ. Trong thành, dựng cung, điện, lầu, các và các nhà lang vũ ở hai bên phía đông và tây. Bên tả là cung Thánh Từ (nơi Thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở). Đó là những việc đã làm năm Canh Dần, Kiến Trung năm thứ 5 (1230), Tống Thiệu Định năm thứ 3. (12)
Tháng 2 (Quý Mão, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 - 1243), Tống Thuần Hựu năm thứ 3, đắp thành nội, gọi là thành Long Phượng và trùng tu Quốc Tử giám. (13)
Lâm Viên - Phạm Thị Huệ
Chú thích:
(1): Hồ sơ H59/6, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 5, mặt khắc 10–11, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (2): Hồ sơ H31/8, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 9, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (3)(4): Hồ sơ H31/8, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 19-20, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (5): Hồ sơ H31/8, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, mặt khắc 23, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (6): Hồ sơ H97/2, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 1, mặt khắc 26-27, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (7)(8)(9): Hồ sơ H31/9, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 10, 13, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (10)(11): Hồ sơ H31/10, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4, mặt khắc 12-13, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (12)(13): Hồ sơ H31/11, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 6, 14, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. |