Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính: Cần lường trước những vấn đề pháp lý nảy sinh

(PLO) -Ngay sau khi Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) được đưa ra lần đầu tiên lấy ý kiến đóng góp xây dựng của các chuyên gia đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, bởi đây là một vấn đề khá “nóng” và không kém phần nhạy cảm, phức tạp. 
Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính: Cần lường trước những vấn đề pháp lý nảy sinh

Thực tế cho thấy, đa số cộng đồng những người có nhu cầu CĐGT đều cho rằng, Dự thảo Luật không nên quy định cứng nhắc việc phải can thiệp về mặt y khoa (đặc biệt là phải chuyển đổi bộ phận sinh dục) thì mới được công nhận và được phép thay đổi về mặt pháp lý (hộ tịch, giấy tờ chứng nhận nhân thân…).

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật CĐGT vừa được Hội Luật gia Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Pháp luật & Chính sách về Y tế, HIV/AIDS tổ chức sáng qua (29/12) tại Hà Nội, đại diện “người trong cuộc” – Lâm Hồng Ph, một nam chuyển giới lại nhắc lại mong muốn này. Theo Ph chia sẻ, rất nhiều bạn đã phẫu thuật chuyển giới nhưng không phẫu thuật bộ phận sinh dục dưới vì nó không mang lại cảm giác thực sự khi quan hệ tình dục. Mặt khác, việc phẫu thuật độ rủi ro rất cao, chi phí thì đắt đỏ. Trong khi đó, rất nhiều bạn có hoàn cảnh rất khó khăn, không nghề nghiệp…

Chung quan điểm này, có ý kiến cho rằng: Thực tế số người có nhu cầu cảm nhận về giới tính thật của mình rất nhiều nhưng không có điều kiện CĐGT. Vì vậy, nên chăng chỉ cần họ nhận diện được giới tính của mình, hoặc thay đổi về cách ăn mặc, thói quen sinh hoạt, hay phẫu thuật một bộ phận nào đó, điều trị hoocmon… sẽ thay đổi về mặt pháp lý cho họ. Bên cạnh đó cũng cần phải quan tâm đến những vấn đề pháp lý liên quan có thể nảy sinh nhằm bảo đảm quyền của người CĐGT như: Quyền mang thai hộ, quyền kết hôn…

Luật sư Nguyễn Đức Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Lan đưa ra ý kiến: Thực tế, chúng ta đã xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật. Mỗi một điều Luật, bao giờ quyền và nghĩa vụ cũng phải đi song song. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật CĐGT lại không quy định nghĩa vụ của người CĐGT. Trong khi đó, không ai dám chắc Luật sau khi ra đời sẽ đi vào cuộc sống. Nếu lỡ xảy ra xung đột sẽ rất khó giải quyết. Để hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật, cũng như tránh các kẽ hở về sau, theo Luật sư Nguyễn Đức Tuấn, Ban soạn thảo nên xây dựng thêm một chương quy định về nghĩa vụ của người CĐGT, đồng thời bổ sung quy định về khiếu nại, tố cáo để có cơ sở giải quyết các vướng mắc phát sinh (trường hợp vi phạm phân biệt đối xử với người CĐGT, tiết lộ thông tin của người CĐGT…).

Đại diện cho Hội Luật gia thành phố Hà Nội, ông Trương Văn Dũng cũng kiến nghị, trước khi CĐGT phải có lý lịch tư pháp rõ ràng, tránh trường hợp CĐGT với mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, theo ông Dũng, Dự thảo Luật chưa quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan y tế, cũng như cơ quan tư pháp đối với vấn đề CĐGT. Ví dụ: Sau khi CĐGT, người CĐGT sẽ phải chung sống với thuốc nội tiết suốt đời. Lúc còn trẻ, khỏe thì không sao, nhưng khi về già sức khỏe suy sụp, gặp phải biến chứng họ sẽ ân hận. Sự ân hận, day dứt này còn mãnh liệt hơn cả khi họ mong muốn được CĐGT. Trong trường hợp này, vai trò tư vấn của cơ quan y tế là vô cùng quan trọng. Do đó, cần thiết phải có một chương quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng (cơ quan y tế và cơ quan tư pháp) vào Dự thảo Luật CĐGT.

Chia sẻ thêm về mặt chuyên môn của vấn đề CĐGT, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn  - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, về mặt chuyên môn cũng như pháp lý, để được thay đổi về mặt pháp lý, bắt buộc bộ phận sinh dục phải thay đổi, không thể “mập mờ”, tránh những trường hợp bị “tập nhiễm” muốn CĐGT gây mất trật tự xã hội, cũng như tình trạng lạm dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Theo bác sỹ Tuấn, CĐGT cho những người bị “đau khổ” về giới là việc cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, các trường hợp chưa thực sự cần thiết (không quá mức “đau khổ”) thì không nên làm, vì quá trình phẫu thuật CĐGT không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, suy giảm tuổi thọ mà còn tốn kém chi phí, đặc biệt là các vấn đề pháp lý nảy sinh về sau này.

Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, ThS. Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật tạo hình & Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho hay, cùng với các cơ sở y tế khác được Bộ Y tế thẩm định và cho phép (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 2...), Bệnh viện Việt Đức đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người… để phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trong phẫu thuật CĐGT, với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài. 

Đọc thêm