Xây dựng mã số vùng trồng, 'tấm vé' xuất ngoại cho sầu riêng Vĩnh Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để sầu riêng được xuất sang các thị trường khó tính đòi hỏi phải đáp ứng mã số vùng trồng, do đó những nông dân tại tỉnh Vĩnh Long rất quan tâm và mong chờ được cung cấp thủ tục này.

Có thể nói, nông nghiệp là một trong ba “trụ đỡ” chính của nền kinh tế và là một lợi thế của Vĩnh Long. Hiện tỉnh có các loại nông sản chủ lực và tiềm năng như: cam, bưởi, lúa, khoai lang, chôm chôm, sầu riêng... đạt năng suất, chất lượng cao.

Thời gian qua, nông sản của tỉnh Vĩnh Long đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Thấy hiệu quả từ việc xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác để xuất khẩu.

Nhiều nông dân tại Vĩnh Long kỳ vọng vườn sầu riêng của mình được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Nhiều nông dân tại Vĩnh Long kỳ vọng vườn sầu riêng của mình được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Ông Trần Hữu Nghĩa (xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, gia đình có hơn 5ha trồng sầu riêng đang trong giai đoạn nuôi trái. Trung bình một năm khu vườn sầu riêng của ông cho sản lượng hàng chục tấn/năm. Tuy sản lượng cao, nhưng hầu hết sầu riêng của ông chỉ tiêu thụ nội địa. Qua tìm hiểu, ông biết được thông qua xây dựng mã số vùng trồng góp phần nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh thị trường tiêu thụ, giúp thu nhập của người nông dân được nâng cao.

Chính vì vậy, những năm gần đây, ông Nghĩa bắt đầu canh tác theo hướng an toàn, đồng thời cũng dần hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã vùng trồng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 tháng kể từ khi thủ tục xét duyệt đã xong, vườn sầu riêng của ông vẫn chưa được cấp mã vùng trồng xuất khẩu.

“Các bước kiểm định, xét duyệt tại vườn sầu riêng của tôi từ phía cơ quan chuyên môn đều đã hoàn tất. Tôi đang rất mong chờ được cấp mã số vùng trồng. Nếu được xuất khẩu, thu nhập từ vườn sầu riêng của tôi sẽ được nâng cao đáng kể”, ông Nghĩa nói.

Trái sầu riêng để được “xuất ngoại” phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ nước nhập khẩu.

Trái sầu riêng để được “xuất ngoại” phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ nước nhập khẩu.

Ông Phạm Minh Thống (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, địa phương vốn nổi tiếng là xứ trồng chôm chôm nên khá ít người quan tâm cây sầu riêng. Hiện gia đình ông có 0,5ha trồng sầu riêng, với diện tích này cộng với ít người trồng nên không đạt yêu cầu về quy định đề nghị cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Gắn bó với loại trái này hơn 10 năm, nay ông Thống quyết tâm chuyển đổi hướng canh tác an toàn để được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, do diện tích trồng tại địa phương khá ít, không tập trung, chưa đủ điều kiện cấp nên ông đành chấp nhận tiêu thụ nội địa. Ông hy vọng xã Hòa Ninh trong tương lai sẽ tăng diện tích trồng sầu riêng qua đó đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Ngày 20/2, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Vĩnh Long thông tin: Ước tính toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 4.075ha trồng sầu riêng. Trong đó, có 20 vùng trồng với diện tích 506,8ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu và 17 vùng trồng với diện tích 297,6ha được cấp mã số vùng trồng nội địa.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 20 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 20 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Theo ông Thanh, để được xây dựng thiết lập hồ sơ cấp mã số thì vùng trồng cây ăn quả phải đảm bảo diện tích của vùng trồng từ 10ha trở lên. Đối với những vùng có diện tích nhỏ hơn sẽ không đủ điều kiện. Xây dựng mã số vùng trồng là vấn đề rất được nông dân quan tâm, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Việc cấp mã số vùng trồng nội địa do cơ quan chức năng phía Việt Nam cấp nên thủ tục khá nhanh. Riêng đối với mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu còn tùy thuộc vào nước nhập khẩu nên sẽ có thời gian cấp khác nhau.

“Thời gian tới, địa phương chú trọng việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho nông sản, nhất là cây sầu riêng cần được quan tâm, đảm bảo vùng sản xuất đáp ứng thị trường tiêu thụ. Hạn chế tình trạng sản xuất tự phát, diện tích canh tác nhỏ lẻ khó đáp ứng các quy định về cấp mã số vùng trồng của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng, phát triển các vùng trồng mới đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu tạo điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị nông sản Vĩnh Long”, ông Thanh thông tin thêm.

Đọc thêm