Trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, Internet vạn vật (IoT) được coi là một trong những công nghệ đóng vai trò then chốt. Việc đẩy mạnh ứng dụng IoT có thể giúp nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững, là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như giúp các quốc gia xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh.
Trong Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường IoT của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Tập đoàn VNPT đã chia sẻ thông tin về sự quan trọng của nền tảng IoT, cách thức sử dụng nền tảng này để phát triển các ứng dụng IoT phục vụ các lĩnh vực của đời sống nói chung và phục vụ việc xây dựng các đô thị thông minh tại Việt Nam nói riêng.
Khái niệm cũng như vai trò của IoT đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây, trước cả khi CMCN 4.0 được đề cập tới. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông Việt Nam cũng đã nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này, phát triển các ứng dụng IoT cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông, VNPT tiếp cận với IoT theo một hướng khác.
VNPT hiểu rằng giống như bất kỳ một công nghệ mới nào, IoT cũng cần một nền tảng tổng thể để vận hành và phát triển các ứng dụng cụ thể và việc tự xây dựng một nền tảng tổng thể sẽ giúp doanh nghiệp làm chủ được công nghệ. Nền tảng IoT - Smart Connected Platform (SCP) của VNPT đã được chính các kỹ sư của VNPT nghiên cứu và phát triển như thế.
SCP có thể được sử dụng để phát triển ứng dụng IoT cho rất nhiều ngành dọc khác nhau |
Cho tới nay, SCP đã được VNPT sử dụng để phát triển nhiều ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ nhu cầu khách hàng. Trong đó nổi bật là các ứng dụng phục vụ việc xây dựng đô thị thông minh như: Giao thông thông minh, Du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh… Các giải pháp này đang được nhiều tỉnh, thành trên cả nước tin tưởng sử dụng.
Đặc biệt, SCP là một nền tảng IoT mở, tất cả các nhà phát triển ứng dụng có thể tham gia để xây dựng ứng dụng của riêng mình. SCP ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại bao gồm điện toán đám mây, công nghệ điện toán biên, công nghệ dữ liệu lớn HADOOP, Middlewares, OTA, Messagebroker và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thông tin nghiêm ngặt nhất. SCP hỗ trợ kết nối mọi vật trên mọi hạ tầng công nghệ mạng, từ các công nghệ kết nối tầm gần như USB, Modbus, RS, Bluetooth, NFC, Zigbee… cho tới các công nghệ kết nối tầm xa như 3g/4G, FTTx, hay các công nghệ dành riêng cho IoT như LoRa, SigFox, NB-IoT…
Sử dụng SCP, các nhà phát triển có thể kết nối, thu thập, quản lý, xây dựng và phân phối ứng dụng, thiết bị IoT, tài nguyên mạng Internet một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian và chi phí. SCP cung cấp nhiều mô hình triển khai khác nhau như: SaaS, IaaS, PaaS, đóng gói tổng thể… đáp ứng tất cả nhu cầu triển khai thực tế của các nhà phát triển ứng dụng. Nhà phát triển chỉ cần quan tâm tới việc chọn thiết bị phù hợp và xây dựng yêu cầu đáp ứng nhu cầu người dùng. SCP sẽ giúp thực hiện quy trình xử lý hai chiều cũng như đảm bảo hiệu năng, tốc độ cho ứng dụng.
Với những ưu điểm nổi bật nói trên, ngay trong lần đầu tiên gửi sản phẩm dự thi hệ thống giải thưởng thường niên uy tín nhất toàn cầu dành cho cộng đồng doanh nghiệp thuộc 22 quốc gia khu vực châu Á, Thái Bình Dương - Stevie Award 2018, SCP đã giành Cúp Vàng ở hạng mục Đổi mới sáng tạo trong Phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực Công nghiệp viễn thông, vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi trong ngành công nghệ khu vực như: M800 Limited - Hồng Kông, Telkom - Indonesia, MATRIXX Software - Hoa Kỳ, Ooredoo - Myanmar…