Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố xác định 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH thành phố và đất nước. Song để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần có sự đánh giá đúng tiềm năng và dự báo chiến lược phát triển trong tương lai.
Nền tảng vững chắc
Một số nhà khoa học cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố về lĩnh vực này có những thuận lợi nhất định. Đó là trước khi Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố được ban hành, Thành ủy quan tâm, HĐND thành phố sớm ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập, CNH-HĐH thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
|
Chuyên gia Xin-ga-po hướng dẫn sinh viên Trường đại học Y Hải Phòng kỹ thuật mổ thay khớp gối. |
Sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND thành phố xây dựng chương trình hành động, triển khai nghị quyết và đến nay đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hiện, hệ thống các viện, trường đại học trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố và đầu tư nâng cao năng lực đào tạo. Một số trường cao đẳng, trung cấp mới được thành lập. Hệ thống các trường nghề, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tích cực đa dạng hóa các nguồn đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực đặc thù phục vụ phát triển kinh tế địa phương như Trường đại học Y Hải Phòng mở rộng diện, liên kết với các trường đại học y của Cộng hòa Pháp nhằm tuyển sinh đào tạo bác sĩ y học biển, bác sĩ tài năng…
Mặc dù thời gian triển khai nghị quyết HĐND thành phố về vấn đề nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, song đó là kinh nghiệm hữu ích để chúng ta tiếp tục có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc. Kết quả đó là nền tảng cơ bản để chúng ta tin tưởng Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Khai thác nguồn nhân lực sẵn có
Bên cạnh việc tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển thành phố và đất nước, nhiều ý kiến cho rằng cần hết sức coi trọng và có cơ chế sử dụng và phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học đã về hưu, hiện tham gia hoạt động tại các hội thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố. Làm được điều này giống như tạo thế kiềng 3 chân: Phát huy đội ngũ cán bộ đang công tác, đào tạo đội ngũ kế cận và sử dụng tri thức của đội ngũ những người đã về hưu.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Nguyễn Ngọc Thao cho rằng, thực hiện chính sách thu hút và sử dụng chất xám của đội ngũ nhà khoa học có nhiều cái lợi. Trước hết, thành phố không phải đầu tư nhiều nhưng vẫn có đội ngũ nhân lực dồi dào là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm công tác. Khi được tin tưởng giao nhiệm vụ và có chính sách thỏa đáng, đội ngũ này sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, nhiệt tình, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang tham gia ở các hội thành phố nhưng không được sử dụng hoặc chưa được coi trọng sẽ lãng phí tài năng. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động, các hội cần có chính sách và giao nhiệm vụ cụ thể cho những hội viên nòng cốt chuyên nghiệp. Vấn đề là chính sách trọng dụng, tạo môi trường làm việc và cơ chế đãi ngộ phù hợp.
Hoàng Dũng