Xây dựng nông thôn mới: Hết tư tưởng trông chờ, ỷ lại

(PLO) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem đến nhiều thay đổi về diện mạo và chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn, nhất là nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM nhưng ở một số nơi việc huy động nhân dân tham gia còn hạn chế vì chính quyền chưa chú trọng đến các công trình người dân được hưởng lợi trực tiếp…
Phát huy tính chủ động của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tính chủ động của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới.

Giúp người dân và nông thôn thay đổi

Đánh giá chung về kết quả thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2010-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Kỳ họp thứ 2 của QH khóa XIV, Chương trình NTM đã tạo chuyển biến đáng kể trong đời sống nông thôn. Người dân từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng NTM (bằng nhiều hình thức cụ thể như hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí...).

Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng thôn, xã đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương… Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động, rộng khắp cả nước; đã có sự tham gia của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, kể cả lực lượng quân đội với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”. 

Qua giám sát cho thấy, những xã được địa phương quan tâm ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư đều sớm đạt tiêu chí NTM, thu nhập của người dân đã được nâng lên đáng kể. Như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: bình quân vốn đầu tư cho 1 xã NTM là 189,45 tỷ đồng/năm; xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18,71 triệu đồng/người, đến năm 2015 đã đạt 37,81 triệu đồng/người.

Tỉnh Thanh Hóa: xã Phú Nhuận thuộc huyện Như Thanh từ một xã nghèo, mức thu nhập bình quân chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm 2011 đã vươn lên 23,5 triệu/người/năm 2015. Tỉnh Sóc Trăng: xã Ngọc Tố thuộc huyện Mỹ Xuyên từ mức thu nhập bình quân năm 2010 là 10,05 triệu đồng/người/năm, đã tăng lên 32,5 triệu đồng/người/năm 2014.

UBTVQH cũng đánh giá, trước sự hạn chế của nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho Chương trình của các địa phương từ ngân sách nhà nước, những địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ có kết quả xây dựng NTM tốt hơn vì người dân tự giác, tích cực tham gia, đóng góp công sức, tiền, vật tư, hiến đất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hình thành các mô hình sản xuất năng suất cao... cho xây dựng NTM. 

Còn xã NTM “không đạt chuẩn” (?!)

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” cũng cho thấy, kết quả xây dựng NTM đến hết năm 2015 đạt 17,1%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (20% xã NTM), mặt khác cũng không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng, miền. Thậm chí một số nơi triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu nhưng còn “nợ” tiêu chí “hoặc không đạt chuẩn” (?!). Có địa phương vì điều kiện kinh tế khó khăn vẫn “trông đợi vốn từ ngân sách T.Ư”, do đó, tốc độ xây dựng NTM chậm so với chỉ tiêu chung và mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, một số địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình, trụ sở, nhà văn hóa, trường học... chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, vùng miền núi còn rất yếu kém. Mặc dù, số xã đạt tiêu chí quy hoạch cao nhất (98,74%), tuy nhiên, hiệu quả, tính liên kết đang là vấn đề cần phải xem xét. 

Nhiều cơ sở như chợ, nhà văn hóa… không được khai thác hiệu quả, lãng phí. Một số xã lựa chọn các nội dung chưa sát thực, chưa chú trọng các công trình người dân được hưởng lợi trực tiếp, vì vậy huy động nhân dân tham gia còn hạn chế, việc huy động dân đóng góp cùng lúc nhiều nội dung để đạt các tiêu chí là rất khó thực hiện. Việc quản lý, duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng ít được chú ý, không có nguồn kinh phí và cơ chế tài chính rõ ràng nên nhiều công trình xuống cấp, không phát huy được hiệu quả trong việc khai thác phục vụ đời sống, sản xuất ở nông thôn…

Do vậy, theo UBTVQH, để xây dựng NTM cần có giải pháp huy động và bố trí nguồn lực hợp lý để đạt mục tiêu, cần phát huy vai trò vốn nhà nước là vốn mồi thu hút các nguồn vốn khác, nhất là vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Phát huy cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh nôn nóng thực hiện để đạt thành tích. 

Chú trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; đề cao vai trò giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc thực hiện Chương trình. Khi xây dựng NTM phải gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu vừa thay đổi diện mạo nông thôn vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân để phát triển bền vững. Tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò hợp tác xã là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân. Ngoài ra, cần chú ý đến những đặc thù riêng của mỗi vùng, miền, địa phương để rà soát, bổ sung, sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cho phù hợp. 

Trong 5 năm cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Đến nay, đã có 2.061 xã đạt tiêu chí NTM (đạt 23%), có 27 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Việc một số huyện đạt tiêu chí NTM sớm hơn so với dự kiến là bước phát triển quan trọng của Chương trình.

Đọc thêm